Hàng loạt chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội như: tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng/tháng; lương hưu, trợ cấp tăng 6,92%; giảm giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế hay 5 điều kiện được hưởng án treo…, sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 7 năm nay.
Từ ngày 1-7-2018, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ 5 điều kiện theo quy định tại Nghị quyết số 02/2018
Tăng lương đối với cán bộ, công chức, viên chức
Từ ngày 1-7-2018, Nghị định 72/2018 quy định mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, người hưởng lương, phụ cấp và người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội và hội được ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động ở trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và lực lượng vũ trang bắt đầu có hiệu lực thi hành.
Theo đó, mức lương cơ sở sẽ tăng từ 1.300.000 đồng/tháng lên 1.390.000 đồng/tháng kể từ ngày 1-7-2018. Mức lương cơ sở mới sẽ dùng làm căn cứ tính phụ cấp, thực hiện các chế độ khác và mức hoạt động phí, sinh hoạt phí theo quy định của pháp luật; tính các khoản trích và các chế độ được hưởng theo mức lương cơ sở.
Tăng 6,92% lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Nghị định số 88/2018 vừa được Chính phủ ban hành nhằm điều chỉnh mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng có hiệu lực từ 1-7-2018. Theo đó, mức tăng thêm là 6,92% trên mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng của tháng 6-2018.
Trong đó, 8 nhóm đối tượng được điều chỉnh mức hưởng như: Cán bộ, công chức, công nhân, viên chức và người lao động; quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu đang hưởng lương hưu hàng tháng; cán bộ xã, phường, thị trấn đang hưởng lương hưu và trợ cấp hàng tháng; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hàng tháng,…
Không cho phép dân cư sinh sống trong khu công nghiệp
Ngày 22-5-2018, Chính phủ ban hành Nghị định 82/2018 quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo nghị định này, dân cư không được phép sinh sống trong khu công nghiệp, khu chế xuất; chuyên gia nước ngoài sinh sống tại đây không được kèm người thân.
Nghị định còn quy định: Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất và ngược lại không phải khai hải quan; doanh nghiệp đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế được hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa, tại chỗ”, hỗ trợ về tuyển dụng lao động và các vấn đề liên quan khác trong triển khai thực hiện dự án; doanh nghiệp có dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế được khấu trừ chi phí xây dựng, vận hành hoặc thuê chung cư và các kết cấu hạ tầng phục vụ cho công nhân làm việc tại khu công nghiệp, khu kinh tế để tính thu nhập chịu thuế…
Giảm giá khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế
Từ ngày 15-7-2018, giá khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) dao động từ 23.300-33.100 đồng, tùy hạng bệnh viện; giá siêu âm 38.000 đồng, chụp X-quang từ 44.000-66.000 đồng. Đây là nội dung đáng chú ý tại Thông tư 15/2018 quy định thống nhất giá dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám, chữa bệnh trong một số trường hợp.
Cũng theo thông tư này, người bệnh vào khoa cấp cứu, có thời gian cấp cứu, điều trị dưới 4 giờ không phải trả tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu. Trường hợp nằm trên băng ca, giường gấp chỉ phải trả bằng 50% tiền giường. Đặc biệt, bệnh viện bố trí nằm ghép 2 người/giường chỉ được bảo hiểm xã hội thanh toán 1/2 mức giá giường bệnh, nằm ghép 3 người thanh toán 1/3 mức giá.
Được ủy quyền lại cho cá nhân, pháp nhân khác tham gia tố tụng
Theo Nghị quyết 03/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, cá nhân được quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác tham gia tố tụng tại tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.
Tương tự, pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại tòa để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu. Đồng thời cá nhân, pháp nhân được ủy quyền cũng được ủy quyền lại cho pháp nhân, cá nhân khác tham gia tố tụng nếu được bên ủy quyền đồng ý bằng văn bản.
Chưa kể, bên mua khoản nợ xấu, khoản nợ có nguồn gốc từ khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của bên bán và được xác định tư cách đương sự thay thế cho bên bán.
5 điều kiện được hưởng án treo
Ngày 15-5-2018, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ra Nghị quyết 02/2018 hướng dẫn áp dụng về các điều kiện được hưởng án treo.
Cụ thể, người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị xử phạt tù không quá 3 năm; có nhân thân tốt; có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên; có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo, cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội, không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong đó, thời gian thử thách của án treo phải bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không dưới 1 năm và không được quá 5 năm. Đặc biệt, không cho hưởng án treo với người phạm tội bị xét xử cùng 1 lần về nhiều tội; phạm tội nhiều lần; bị truy nã hoặc là người chủ mưu.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
9 luật mới có hiệu lực thi hành
Từ ngày 1-7-2018, 9 luật mới sẽ chính thức có hiệu lực thi hành. Đó là: Luật Quản lý nợ công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; Luật Cảnh vệ; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Thủy lợi; Luật Đường sắt; Luật Tiếp cận thông tin.
Nguồn: http://www.baohaugiang.com.vn-HT