“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” – danh hiệu được dành riêng cho phái nữ, một mặt, khẳng định vị thế, vai trò “kép”
“Giỏi việc nước, đảm việc nhà” – danh hiệu được dành riêng cho phái nữ, một mặt, khẳng định vị thế, vai trò “kép” của người phụ nữ hiện nay là vừa đảm đương tốt công việc gia đình, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xã hội; mặt khác, cũng cho thấy gánh nặng đang được đặt “đều đặn” lên cả hai vai người phụ nữ. Yêu cầu, trách nhiệm và khả năng hoàn thành nhiệm vụ, “vẹn cả đôi đường”, của người phụ nữ nói chung và nữ trí thức nói riêng, vì thế, cũng ngày càng cao.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với những nỗ lực vượt bậc của chính bản thân, đội ngũ nữ trí thức nước ta đang ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Các nhà nữ trí thức đã cống hiến nhiều công trình khoa học có giá trị về lý luận và ứng dụng thực tiễn trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công vẫn còn tồn tại không ít những trở ngại, rào cản, những mâu thuẫn, thách thức làm hạn chế vị thế, vai trò của nữ trí thức. Đó là những rào cản về mặt tâm lý xã hội trong nhìn nhận, đánh giá năng lực, vị thế… của phụ nữ; là mâu thuẫn giữa việc thực hiện các vai trò, chức năng làm vợ, làm mẹ, làm kinh tế gia đình với vai trò, trách nhiệm của người cán bộ khoa học, quản lý; mâu thuẫn giữa yêu cầu ngày càng cao, càng gay gắt của cơ chế thị trường với những hạn chế về kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nắm bắt công nghệ cao của một bộ phận nữ trí thức… Ngoài những trở ngại từ phía xã hội, từ hoàn cảnh bên ngoài, như nhận thức của đồng nghiệp nam về vai trò giới, đánh giá của họ về vị thế của nữ trí thức trong gia đình và tại nơi công tác, đánh giá về hiệu quả công việc của nữ trí thức, hoạt động quản lý và các hình thức khuyến khích làm việc tại cơ quan…, những hạn chế của nữ trí thức còn do những rào cản từ chính họ (hứng thú nghề, nỗ lực nghề, nhận thức về vai trò giới…).
Nội trợ trong gia đình: Phần “ưu tiên” vẫn thuộc về phụ nữ
Cũng như những người phụ nữ khác, vị thế của nữ trí thức trong gia đình được hiểu là vị trí của họ trong gia đình, được xác định bởi quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ, và được thể hiện trên thực tế ở việc ra quyết định về các vấn đề liên quan đến kinh tế gia đình; chi tiêu trong gia đình; việc học hành của con cái. Trong cách nhìn nhận về trách nhiệm, nghĩa vụ của vợ và chồng đối với việc thực hiện công việc nhà, nhìn chung, có hai loại quan điểm khác nhau. Một loại cho rằng, vợ có trách nhiệm và nghĩa vụ nhiều hơn chồng, các công việc nội trợ hoàn toàn là việc của người vợ(!). Loại quan điểm khác cho rằng, vợ và chồng có trách nhiệm và nghĩa vụ như nhau đối với những công việc đó, “ai tiện thì làm”.
Tuy nhiên, trên thực tế, người “tiện” hơn vẫn là phụ nữ. Kết quả một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ, Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương thực hiện đối với các đối tượng là trí thức cho thấy, khoảng 1/3 số người được hỏi trả lời rằng, cả hai vợ chồng cùng làm các công việc nhà. Đối với các công việc nội trợ (đi chợ, chuẩn bị bữa ăn cho gia đình, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ) trong các gia đình trí thức, trên một nửa số người được hỏi khẳng định rằng, các công việc này trong gia đình là do người vợ quyết định và trực tiếp thực hiện. Trong những gia đình mà người chồng quyết định việc đi chợ, thì có đến 84,1% các bà vợ phải thực hiện công việc này, trong khi số người chồng thực hiện chỉ là 2,5%. Còn số trí thức nói rằng, trong gia đình họ, chồng là người thực hiện các công việc này, chiếm tỷ lệ rất thấp (3% – 5%).
Có thể thấy, mặc dù đã có sự chia sẻ việc quyết định và thực hiện các công việc nội trợ, nhưng những việc này, chủ yếu, vẫn do người vợ đảm nhiệm. Điều đó có nghĩa, những công việc nội trợ – những việc mang tính thường xuyên và chiếm nhiều thời gian nghỉ ngơi, vẫn là một gánh nặng của phụ nữ.
Cùng chia sẻ việc chăm sóc con cái và các thành viên trong gia đình
Trong các gia đình trí thức Việt Nam, những công việc liên quan đến con cái luôn là mối quan tâm của cả hai vợ chồng. Đây là loại việc nhà mà sự chia sẻ giữa vợ và chồng được ưu tiên hơn so với các công việc gia đình khác và cũng là xu hướng hoàn toàn khác với truyền thống – chăm sóc con cái không được xem là trách nhiệm của người đàn ông mà luôn là thiên chức của người phụ nữ. Số liệu thu được từ cuộc khảo sát nói trên cho thấy, hầu như trong phần lớn công việc, như giúp con học tập ở nhà; dạy dỗ, chăm sóc, giáo dục con; họp phụ huynh cho con; chăm lo sức khỏe cho gia đình, chăm sóc người ốm, đều có sự đồng tâm hợp lực của cả hai vợ chồng. Điều này phần nào phản ánh sự bình đẳng giới giữa vợ và chồng trong gia đình.
Trong các gia đình trí thức được khảo sát, số gia đình có người vợ quyết định việc chăm lo sức khỏe cho các thành viên gia đình và chăm sóc người ốm nhiều gấp đôi số gia đình do người chồng quyết định (21% so với 10,5%). Số gia đình chỉ có người chồng thực hiện công việc này chiếm tỷ lệ vô cùng nhỏ bé (3%) so với số gia đình chỉ có người vợ thực hiện (22,7%). Số gia đình, ở đó người chồng tự quyết định và trực tiếp thực hiện, còn ít hơn nữa.
Một loại công việc gia đình nữa liên quan đến việc tổ chức sinh hoạt chung, đặc biệt là việc thờ cúng tổ tiên và sửa chữa, xây nhà, tỷ lệ gia đình trí thức có người chồng quyết định cao hơn hẳn so với gia đình có người vợ quyết định, mặc dù công việc này trong đa số các gia đình vẫn do người vợ tự tổ chức và thực hiện.
Trong ba khía cạnh biểu hiện vị thế của mình trong gia đình, nữ trí thức có được vị trí cao nhất trong việc quyết định chi tiêu hằng ngày của gia đình và ở vào vị trí thấp nhất trong các công việc liên quan đến phát triển kinh tế gia đình. Điều đó cũng nói lên rằng, quan niệm truyền thống: người chồng là trụ cột kinh tế, người vợ là người lo toan các công việc nội trợ trong gia đình vẫn còn được duy trì và tồn tại ngay trong chính các gia đình trí thức – những gia đình, về cơ bản, được coi là có xu hướng bình đẳng hơn cả. Nguyên nhân dẫn đến sự phân công lao động này trong gia đình, một phần, do ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo đối với vị thế của người đàn ông và người đàn bà trong gia đình, cho dù không còn mạnh mẽ như xưa. Phần khác, do cách nhìn nhận của chính người phụ nữ về vị thế của mình trong gia đình. Cụ thể, số nữ trí thức đánh giá mình là người quyết định các công việc liên quan đến sự phát triển kinh tế gia đình rất thấp, chỉ chiếm chưa đến 1/10 số nữ trí thức được khảo sát. Mặc dù được coi là nhóm phụ nữ có vị trí cao trong giới nữ, nhưng họ vẫn đang đảm nhận vai trò của người vợ, người mẹ truyền thống như các nhóm phụ nữ khác.
Gia đình và công việc: Nặng – nhẹ vai nào?
Quan niệm truyền thống cho rằng, “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, người phụ nữ trong gia đình vẫn phải là người làm các công việc nội trợ, quán xuyến việc nhà. Đến nay, điều này vẫn không mấy thay đổi. Thậm chí, về vai trò, trách nhiệm, bổn phận đối với gia đình, người nữ trí thức còn có cách nhìn nhận khắt khe hơn đối với bản thân và với phái của mình.
Phần lớn trí thức đều quan niệm rằng, nữ trí thức không chỉ là người vợ, người mẹ, nhà giáo dục trong gia đình, mà còn là người có thể chia sẻ tâm tư tình cảm, thảo luận các vấn đề chính trị, xã hội và chuyên môn với chồng, là chỗ dựa cho chồng khi chồng gặp khó khăn trong công việc. Không chỉ có vậy, nữ trí thức lại là những người đặt yêu cầu này ở mức độ cao hơn so với các nam trí thức. Hầu hết những người được hỏi trong cuộc khảo sát nói trên, với những mức độ đồng ý khác nhau, đều khẳng định rằng, nữ trí thức muốn thành đạt trong công việc, trước hết phải làm tròn trách nhiệm với gia đình. Gần 1/3 số người được hỏi cho rằng, nữ trí thức phải là người sẵn sàng từ bỏ công danh, sự nghiệp để bảo vệ hạnh phúc gia đình và trên một nửa số người được khảo sát yêu cầu rằng, dù ở cương vị nào, trình độ học vấn ra sao, nữ trí thức vẫn phải là người thực hiện chức năng sinh con, nuôi dạy con, sẵn sàng hy sinh cho chồng, cho con.
Nếu so vị thế của nữ trí thức tại cơ quan với vị thế của họ trong gia đình tại cùng thời điểm nghiên cứu, có thể thấy rằng, vị thế của nữ trí thức ở cơ quan cao hơn và có tương quan thuận với vị thế của họ trong gia đình. Những nữ trí thức càng có trách nhiệm thực hiện công việc, càng có uy tín trong hoạt động nghề nghiệp và càng được hưởng nhiều quyền lợi thì càng có tiếng nói quyết định trong gia đình. Nếu nữ trí thức thực hiện càng tốt những yêu cầu về trách nhiệm của mình đối với gia đình, luôn làm tròn bổn phận của người vợ, người mẹ trong gia đình, thì càng có được vị trí cao trong gia đình, càng có tiếng nói khi ra quyết định về các vấn đề liên quan đến kinh tế gia đình; đến việc chi tiêu và chuyện học hành của con cái.
Để thực hiện tốt hơn nữa sự bình đẳng giới trong gia đình và nơi công sở
Tăng cường trách nhiệm của vợ và chồng đối với gia đình cùng với việc củng cố kiến thức về vai trò giới của nam/nữ trí thức là điều kiện cần thiết để nâng cao vị thế của nữ trí thức trong gia đình. Bên cạnh đó, nữ trí thức hiện nay còn có khả năng đạt được những vị thế nhất định tại nơi làm việc. Để đạt được điều này, theo chúng tôi cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
– Tập huấn nâng cao nhận thức về vai trò giới trong gia đình đối với cả nam trí thức và nữ trí thức. Đối với bản thân nữ trí thức, để thực hiện tốt cả hai chức năng gia đình và xã hội, cần có ý chí, nghị lực trong học tập, rèn luyện, luôn tự nâng cao trình độ, năng lực, để biết cách tổ chức, sắp xếp cuộc sống gia đình hợp lý và khoa học, biết phân công công việc giữa các thành viên phù hợp; biết chi tiêu hợp lý; biết chăm sóc mọi người và bản thân.
– Phát triển hệ thống dịch vụ gia đình chuyên nghiệp (người giúp việc, nhà trẻ, mẫu giáo, cơ sở y tế thuận tiện…) nhằm tạo ra những thay đổi để nữ trí thức giảm thiểu gánh nặng của công việc gia đình, dành thời gian cho công việc chuyên môn; cải tiến chế độ bảo hiểm. Mặt khác, thực hiện tốt Luật Bình đẳng giới về chế độ cân bằng trách nhiệm của nam giới trong việc cùng chia sẻ công việc gia đình và chăm sóc con cái.
– Tạo dư luận xã hội rộng rãi ủng hộ những tấm gương “giỏi việc nước, đảm việc nhà” đối với cả nam giới và nữ giới nhằm khắc phục định kiến về giới rằng, công việc gia đình là chỉ của phụ nữ còn công việc khoa học, lãnh đạo… được xem là lĩnh vực dành riêng cho nam giới(?)
– Đẩy mạnh hoạt động quản lý tại cơ quan, công sở, xây dựng chỉ tiêu đánh giá và tăng cường kiểm soát chất lượng công tác đánh giá hiệu quả công việc của nữ trí thức. Nhận thức về vai trò giới trong gia đình và trong hoạt động nghề nghiệp của nam/nữ trí thức, tự bản thân nó, hầu như không tác động đến vị thế của nữ trí thức trong gia đình và tại cơ quan, công sở. Nếu chỉ để bản thân nữ trí thức tự vươn lên bằng chính nỗ lực, hứng thú nghề nghiệp của mình, hoặc thậm chí, có cả sự góp sức của nhận thức mới về vai trò giới trong gia đình, nâng cao vị thế của nữ trí thức trong gia đình, thì cũng không cải thiện được nhiều vị thế của họ ở cơ quan. Những nhân tố thực sự quan trọng, góp phần đáng kể vào việc nâng cao vị thế của nữ trí thức ở cơ quan lại đến từ bên ngoài, chẳng hạn như việc đánh giá đúng hiệu quả làm việc của nữ trí thức hay hoạt động quản lý trong cơ quan…
Kết hợp hài hòa những nhân tố từ chính bản thân nữ trí thức và các nhân tố tác động từ bên ngoài sẽ góp phần làm cho vị thế của nữ trí thức trong gia đình và tại cơ quan có những thay đổi ở mức độ cao nhất, tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người./.
Nguồn: www.phunu.hochiminhcity.gov.vn-HT