Lịch sử của dân tộc Việt Nam là lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước. Trong hàng ngàn năm lịch sử ấy, phụ nữ Việt Nam luôn giữ vai trò quan trọng và đã có những đóng góp to lớn. Ngày nay, tiếp tục phát huy vai trò, vị trí quan trọng trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước, có mặt trong mọi ngành nghề, trên mọi địa bàn, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam với đức tính cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, đã và đang vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực trong học tập, lao động và công tác, tham gia tích cực vào quá trình hoạch định và thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bên cạnh việc tham gia làm chủ xã hội, phụ nữ Việt Nam còn làm tốt vai trò là người vợ, người mẹ chăm lo cuộc sống, góp phần rất quan trọng xây dựng tổ ấm gia đình. Những đóng góp bền bỉ, thầm lặng đó ngày càng tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, đó là: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của phụ nữ đối với sự phát triển của đất nước, Đảng ta rất quan tâm đến phụ nữ và công tác phụ nữ. Ngay từ khi mới ra đời, Đảng đề cao tư tưởng “Nam nữ bình quyền” và coi việc thực hiện tư tưởng đó là một trong những nhiệm vụ cốt yếu của cách mạng Việt Nam. Suốt hơn 80 năm qua, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị để lãnh đạo công tác phụ nữ, đáp ứng yêu cầu trong từng thời kỳ của cách mạng Việt Nam.
Thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đối với công tác phụ nữ, nhất là từ khi Bộ Chính trị (khóa X) ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27-4-2007 về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng bộ tỉnh Kon Tum luôn chú trọng lãnh đạo công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh nhà ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc xây dựng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Cùng với sự lớn mạnh của phong trào phụ nữ cả nước, công tác Hội và phong trào phụ nữ tỉnh Kon Tum có bước phát triển đáng khích lệ. Bộ máy tổ chức của các cấp Hội không ngừng được tăng cường, củng cố và kiện toàn đảm bảo đủ số lượng và nâng cao dần về chất lượng; đội ngũ cán bộ Hội các cấp ngày càng trưởng thành, là nguồn cán bộ bổ sung kịp thời, hiệu quả cho cấp ủy và chính quyền các cấp.
Điều đáng mừng là tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ngày càng cao. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2015-2020 ở cấp tỉnh là 14,8%, cấp huyện là 18,85%, cấp cơ sở là 25,54%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIV đạt 17%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2016-2021 ở cấp tỉnh là 38%, cấp huyện là 32,1%, cấp xã là 31,7%. Số lượng cán bộ, công chức là nữ giữ chức vụ quản lý từ cấp phòng trở lên là 179 đồng chí. Đây là minh chứng cho sự nỗ lực phấn đấu và trưởng thành của chị em cán bộ, hội viên phụ nữ trong tỉnh.
Bên cạnh đó, các cấp Hội đã không ngừng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến cán bộ, hội viên, phụ nữ, nhất là các chủ trương, chính sách có liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em về bình đẳng giới… Nhiều phong trào thi đua như “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”,“Dân vận khéo”, “Phụ nữ Kon Tum thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe gia đình và cộng đồng” và các phong trào, cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động đã được các cấp Hội tích cực triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Chú trọng duy trì và phát triển các hoạt động giúp phụ nữ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình bằng những hành động cụ thể, thiết thực như nhận ủy thác với các ngân hàng để giúp phụ nữ nghèo vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh; chỉ đạo xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của từng tiểu vùng nhằm tăng năng suất, thu nhập cho hội viên, phụ nữ; duy trì các mô hình vận động phụ nữ dân tộc, tôn giáo, mô hình phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em…
Các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã tiếp tục triển khai thực hiện có kết quả công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị “về ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội” và Quyết định 218-QĐ/TW, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị “về ban hành quy định về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị- xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Hoạt động của các cấp Hội vừa có tác dụng thu hút và tập hợp hội viên, vận động chị em phụ nữ chủ động tham gia phát triển kinh tế, xã hội; vừa thiết thực chăm lo lợi ích, nhu cầu chính đáng và hợp pháp của phụ nữ; thể hiện vai trò nòng cốt của các cấp Hội trong phong trào phụ nữ; đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nhà. Qua đó, đã có 53.844 cán bộ, hội viên, phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ tiên tiến“, 26 hội viên, phụ nữ được công nhận danh hiệu “Phụ nữ xuất sắc 5 năm” cấp tỉnh.
Trong bối cảnh công cuộc đổi mới ngày càng toàn diện, đi vào chiều sâu, hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng rộng mở với nhiều thời cơ và thách thức mới, đặc biệt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang ra sức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 thì yêu cầu phát huy sức mạnh của các giai tầng, lực lượng trong xã hội, trong đó có lực lượng phụ nữ có ý nghĩa rất quan trọng. Để thực hiện được mục tiêu này, các cấp ủy Đảng tăng cường đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhằm phát huy hơn nữa sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Hội và phong trào phụ nữ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng, vì vậy, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Lãnh đạo, tổ chức thành công Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2016 – 2021 theo Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 09-9-2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI). Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị chu đáo nội dung văn kiện và Đề án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và các phó chủ tịch Hội LHPN trình tại Đại hội.
- Tiếp tục quán triệt thủ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp đối với việc tập hợp, vận động, giáo dục, thuyết phục chị em phụ nữ tham gia thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững quốc phòng-an ninh, xây dựng hệ thống chính trị; nâng cao nhận thức về giới và ý thức trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới; chú trọng tuyên truyền gương phụ nữ điển hình tiên tiến. Đồng thời, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích của phụ nữ. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ và công tác phụ nữ trong tình hình mới, đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, đồng thời phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp.
- Các cấp Hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng ngày càng phong phú, đa dạng, phù hợp với từng địa bàn, lứa tuổi, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo… hướng mạnh hoạt động về cơ sở. Chủ động phối hợp với chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên triển khai thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, chương trình phát triển kinh tế; kịp thời nắm bắt, phản ánh đến các cấp uỷ Đảng, chính quyền về tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị để kịp thời giải quyết những quyền lợi hợp pháp, chính đáng, góp phần chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho chị em, nhất là chị em người đồng bào dân tộc thiểu số.
- Phát huy vai trò của những chị em tiêu biểu trong các tầng lớp nhân dân, nhất là các cán bộ nữ, nữ trí thức, phụ nữ người dân tộc thiểu số, tôn giáo phù hợp với tình hình mới theo hướng tăng cường vận động, thuyết phục chị em thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm, bức xúc của địa phương, tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia hưởng ứng có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế- xã hội do các cấp Hội xây dựng, các phong trào thi đua, các cuộc vận động do các cấp, các ngành phát động.
- 4. Tạo điều kiện để Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp thực hiện công tác giám sát và phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Trong đó, lãnh đạo các cấp Hội tích cực góp ý xây dựng tổ chức đảng và đảng viên; tham mưu đắc lực cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện công tác cán bộ nữ; giám sát việc triển khai thực hiện pháp luật, chính sách đối với phụ nữ, về bình đẳng giới và các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
- Lãnh đạo, các cấp Hội đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân theo đường lối đối ngoại rộng mở của Đảng và Nhà nước, góp phần tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
- Lãnh đạo chính quyền các cấp sớm ban hành hoặc kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền ban hành các chính sách cụ thể tạo điều kiện cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò xây dựng gia đình và nuôi con tốt, dạy con ngoan, phát triển nhà trẻ, mẫu giáo; xây dựng một số trung tâm tư vấn về hôn nhân-gia đình, phòng chống tệ nạn xã hội, phòng chống buôn bán phụ nữ-trẻ em và bạo lực gia đình; hỗ trợ nhà ở, sinh kế cho phụ nữ cao tuổi đơn thân, phụ nữ khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
- Quan tâm củng cố, kiện toàn hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp, đảm bảo cho các cấp Hội hoạt động có hiệu quả. Tăng cường lãnh đạo công tác cán bộ, lựa chọn, bồi dưỡng những đảng viên nữ có trình độ, năng lực, tâm huyết với công tác Hội để đưa vào quy hoạch, giới thiệu bầu giữ các cương vị chủ chốt của các cấp Hội; quan tâm công tác nhân sự Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam các cấp, đảm bảo tính tiêu biểu, tính đại diện cho các giai tầng phụ nữ trong xã hội, để Hội liên hiệp phụ nữ thực sự là một trong những lực lượng quần chúng to lớn của Đảng, là hình ảnh tiêu biểu nhất cho chị em phụ nữ ở mỗi cấp. Tiếp tục quan tâm trong công tác đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương, đơn vị; chú trọng rà soát, quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ giữ chức vụ chủ chốt ở các cấp, các ngành và thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ, trẻ, người dân tộc thiểu số đến năm 2020 theo Kế hoạch số 13-KH/TU, ngày 08-8-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới, về công tác phụ nữ, về phòng chống bạo lực gia đình.
Có thể khẳng định, phụ nữ là một trong những lực lượng quần chúng cách mạng to lớn. Từ khi có Đảng, phụ nữ được quan tâm, dìu dắt, động viên nên ngày càng tiến bộ, được hưởng các quyền bình đẳng về kinh tế, văn hóa, chính trị trong xã hội. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, các cấp ủy Đảng càng phải quan tâm lãnh đạo, phát huy vai trò của các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ trong việc đoàn kết, tập hợp, giáo dục chị em để các tầng lớp phụ nữ tỉnh nhà ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của các cấp ủy Đảng, phát huy những truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tiếp tục đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng ổn định, phát triển bền vững.
Đồng chí Y Mửi, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy