Tiếp bước truyền thống vẻ vang của các thế hệ phụ nữ đi trước, phụ nữ huyện Sa Thầy ngày nay luôn nỗ lực thi đua sản xuất, đoàn kết cùng nhau phát triển kinh tế. Qua phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình hay, gương làm kinh tế giỏi, góp phần to lớn vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Đưa chúng tôi đi tham quan mô hình trồng, chăm sóc và làm tinh bột nghệ từ cây nghệ đỏ của “Tổ phụ nữ liên kết trồng nghệ” tại thôn Bình Sơn (xã Sa Bình), chị Nguyễn Thị Lý – Chủ tịch Hội LHPN xã Sa Bình cho biết: Nghệ đỏ được phụ nữ thôn Bình Sơn trồng từ năm 2016. Lúc bấy giờ chỉ có vài gia đình hội viên tham gia trồng thử nghiệm, nhưng qua vụ thu hoạch đầu tiên cho thấy lợi nhuận rất cao. Năm 2017, Chi hội Phụ nữ thôn Bình Sơn đã thành lập “Tổ phụ nữ liên kết trồng nghệ” với sự tham gia của 12 hội viên, phát triển diện tích lên 12ha.

“Vừa qua, Hội LHPN xã Sa Bình đã giúp chị em phụ nữ trong Tổ liên kết hoàn tất hồ sơ gửi lên Hội LHPN tỉnh để được xét duyệt hỗ trợ vốn từ Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 -2025” – chị Lý phấn khởi nói.

Tìm hiểu về mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng nghệ” của chị em phụ nữ thôn Bình Sơn, chúng tôi được biết, chị Trần Thị Kiệm là người tiên phong trồng loại cây trồng này.

Chị Kiệm cho hay, đầu năm 2016, chị cùng chồng trồng thí điểm 600mnghệ đỏ trên diện tích rẫy của gia đình và sau này tăng lên gần 1ha. Nhờ chăm sóc kỹ nên cây trồng cho năng suất rất cao. 1ha nghệ đỏ nếu chăm sóc kỹ sẽ cho thu hoạch từ 20-30 tấn củ tươi.

Không bán sản phẩm thô, vợ chồng chị Kiệm đầu tư máy móc làm tinh bột nghệ để tăng thu nhập cho gia đình. Chị ước tính mỗi tấn củ tươi lấy được từ 40- 50kg tinh bột nghệ. Và với mức giá dao động từ 300-400 ngàn đồng/kg, mỗi héc ta nghệ đỏ giúp gia đình chị thu nhập hơn 300 triệu đồng, sau khi đã trừ chi phí.

Nhận thấy giá trị kinh tế từ cây nghệ đỏ, chị Kiệm đã nhiệt tình tư vấn, cung cấp giống giá rẻ cho các hội viên, phụ nữ khác trong thôn để cùng trồng. Một năm sau, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng nghệ” của chị em phụ nữ thôn Bình Sơn đã được thành lập.

Để hỗ trợ chị em phụ nữ có kiến thức, kinh nghiệm đối với loại cây trồng mới, Hội LHPN huyện Sa Thầy đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc nghệ đỏ cho 30 hội viên, phụ nữ trong thôn.

Chị Kiệm phấn khởi chia sẻ thêm với chúng tôi: Vụ thu hoạch cuối năm 2018 vừa qua, sản phẩm tinh bột nghệ của “Tổ phụ nữ liên kết trồng nghệ” luôn trong tình trạng bị “cháy hàng”.

Để cảm nhận được tinh thần hăng say trong thi đua sản xuất của phụ nữ Sa Thầy, chúng tôi đến xã Sa Sơn gặp chị Đỗ Thị Hà, hội viên Chi hội Phụ nữ thôn 1 (xã Sa Sơn) – người vừa đạt danh hiệu Phụ nữ điển hình tiên tiến trong lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2018 của huyện Sa Thầy.

Tranh thủ ngồi dưới tán cây xoài đang trổ quả nghỉ ngơi, chị Hà trò chuyện với chúng tôi: Năm 2001, sau khi lập gia đình, cuộc sống gia đình chị hết sức khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, chị cùng chồng mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội và 20 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để mua đất trồng cao su, mì và chăn nuôi bò sinh sản. Qua nhiều năm phát triển kinh tế, diện tích cao su của gia đình đã tăng lên 5ha; đàn bò tăng lên hàng chục con, mang lại nguồn thu nhập bình quân hàng năm cho gia đình chị từ 300 – 400 triệu đồng.

20190307150309nho-chu-trong-phat-trien-giong-bo-rahman-chi-do-thi-ha-da-thoat-ngheo-vuon-len-lam-giau-chinh-dang

Nhờ chú trọng phát triển giống bò Rahman,

chị Đỗ Thị Hà đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng

Chị Nguyễn Thị Tuyết –  Chủ tịch Hội LHPN huyện Sa Thầy chia sẻ, để hỗ trợ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, thời gian qua, Hội LHPN huyện xác định hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, bám sát đặc thù địa bàn, đồng thời tìm hiểu nhu cầu thực tế ở mỗi địa phương, từ đó vận động hội viên, phụ nữ triển khai những mô hình kinh tế phù hợp. Các cấp Hội Phụ nữ của huyện còn chủ động vận động và kết nối nguồn lực để tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế như: tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp…

Với cách tuyên truyền, vận động bền bỉ, dễ hiểu, dễ nhớ, nhiều hội viên, phụ nữ đã ngày càng chủ động hơn trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình, dần loại bỏ cách thức canh tác lạc hậu; tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi. Đến nay, nhiều mô hình được hội viên, phụ nữ tích cực nhân rộng ở mỗi địa bàn như mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng nghệ” ở xã Sa Bình, “Tổ phụ nữ liên kết trồng mì cao sản” ở xã Rờ Kơi, “Tổ phụ nữ liên kết trồng chuối” ở xã Ya Ly, “Tổ phụ nữ liên kết trồng nấm” ở xã Sa Nghĩa và có nhiều gương phụ nữ là kinh tế giỏi như chị Đỗ Thị Hà ở xã Sa Sơn, chị Y Puôi ở xã Rờ Kơi, chị Y Phúc ở xã Mô Rai…

“Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động phụ nữ tích cực tham gia vào tổ chức Hội; phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ được vay vốn ưu đãi; tiếp tục cụ thể hóa các phong trào của Hội như “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”, “Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ”… để giúp hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện, nhất là hội viên, phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS phát triển kinh tế gia đình” – chị Nguyễn Thị Tuyết cho biết.

Bài, ảnh: Đức Thành

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT