Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội, những năm gần đây, Hội LHPN xã Sa Bình – huyện Sa Thầy tích cực vận động hội viên, phụ nữ tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hội pn sa bình- sa thầy tích cực phát triển kinh tế

Mô hình thâm canh cà phê của chị Trịnh Thị Len

Hội LHPN xã Sa Bình hiện có gần 700 hội viên tham gia sinh hoạt tại 9 chi hội. Với đặc thù là xã thuần nông, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, các hội viên còn gặp nhiều khó khăn về vốn, kiến thức. Để hoạt động hội thu hút chị em tham gia, Hội LHPN xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa ra nhiều giải pháp giúp hội viên phát triển kinh tế, tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hơn 1,5 tỷ đồng cho 74 hội viên vay vốn, thành lập 03 tổ tiết kiệm vốn xoay vòng với tổng số tiền hơn 90 triệu đồng. Hội còn phối hợp với các ngành thực hiện vận động hội viên tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học – kỹ thuật tới hội viên; tạo điều kiện để chị em phụ nữ tiếp cận tiếp các nguồn vốn vay, tập trung vào sản xuất, kinh doanh góp phần tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình. Bà Nguyễn Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã Sa Bình nói: “Thấy phụ nữ khó khăn thì chị em cũng đi tìm nhiều mô hình. Có mô hình rồi thì cho chị em tín chấp với Ngân hàng Chính sách, cho chị em vay vốn để có chỗ đầu tư cho sản xuất. Nói chung cộng với vốn và sự nhiệt tình của chị em thì nhiều chị em, hàng năm cũng thu nhập 200 – 300 triệu đồng”.

Từ một hộ cận nghèo, với nỗ lực vươn lên, chị Trịnh Thị Len (thôn Bình Sơn, xã Sa Bình) đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để đầu tư phát triển kinh tế. Ban đầu, vốn vay được dùng để chăn nuôi bò sinh sản, trồng mới 1,2 ha cà phê. Sau 4 năm, nguồn thu của gia đình tương đối ổn định, chị Len tiếp tục đầu tư trồng 8 sào bí đỏ, ớt và nuôi thêm gà, vịt, cho thu nhập hàng năm hơn 300 triệu đồng. Đáng nói, mô hình trồng xen ớt và bí đỏ của gia đình chị đem lại hiệu quả kinh tế cao. Chị Len cho biết, trồng hai loại cây này không tốn nhiều công chăm sóc, chủ yếu đảm bảo đủ nước tưới tiêu; 3 – 4 tháng thu hoạch một lần, mỗi lần trên dưới 10 tấn, tiền lãi hàng năm hơn 100 triệu đồng. Chị Len chia sẻ: “Tôi vào đây được hai mấy năm rồi. Do thấy vất vả quá, tôi chuyển đổi trồng cà phê. Thấy hiệu quả, thu nhập cao hơn cây mì chút, đỡ vất vả hơn trồng mì. Còn cây bí, cây ớt đây thì 8 sào trong vòng 4 tháng tôi thu hoạch cỡ 100 triệu đồng”.

Đầu năm 2017, Hội LHPN xã Sa Bình phối hợp với Hội LHPN huyện xây dựng mô hình tổ liên kết trồng nghệ tại thôn Bình Sơn, thu hút 32 hội viên tham gia, với tổng diện tích hơn 5 ha. Là một trong những hội viên tích cực thực hiện mô hình, bà Trần Thị Anh cho biết, gia đình đã đầu tư hơn 30 triệu đồng trồng gần 1 ha nghệ để cuối năm nay thu hoạch. Bà Trần Thị Anh cho biết: “Cây nghệ này nó cải tạo được nguồn đất, thay đổi cơ cấu cây trồng. Trước giờ mình trồng mì nó quen đất, năng suất thấp. Cây nghệ này tính ra hiệu quả kinh tế cao hơn rất nhiều, gấp 5, gấp 10 lần cây mì. Đầu ra sản phẩm thì hiện tại trong thôn có một hộ gia đình có dàn máy chế biến tinh bột nghệ, nên từ đó phụ nữ xã, huyện muốn xây dựng, nhân rộng mô hình thêm nữa để tăng thêm thu nhập cho người dân, tạo việc làm, hiệu quả kinh tế gia đình cao hơn”.

Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế tại xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo trong hội viên, phụ nữ; thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên của chị em trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Thu Trang – Ngọc Chí

Nguồn: http://kontumtv.vn-HT