Với phương châm “Sinh ít con để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, từ năm 2012 đến nay, tất cả các xã, thị trấn trong huyện Sa Thầy đã thành lập Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3 trở lên. Không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, các Câu lạc bộ góp phần hoàn thành các mục tiêu về DS-KHHGĐ.
Chúng tôi được Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3 trở lên (gọi tắt là Câu lạc bộ) xã Sa Bình, huyện Sa Thầy đưa đến dự buổi sinh hoạt Câu lạc bộ tại thôn Khúc Na của xã. Mặc dù trong những ngày đầu năm rất bận rộn với việc thu hoạch mì trên rẫy, nhưng các hội viên Câu lạc bộ xã Sa Bình vẫn tranh thủ sinh hoạt hàng tháng với chủ đề về các biện pháp tránh thai hiện đại và chất lượng dân số.
Tại đây, chị Y Loãi – hội viên Câu lạc bộ xã Sa Bình, cho biết: Nhờ tham gia sinh hoạt Câu lạc bộ mà bản thân tôi mới nhận thức được việc sinh con đông sẽ khổ. Vì thế, lấy chồng từ năm 2004 đến nay, tôi chỉ sinh 2 con và mỗi đứa con cách nhau 7 năm. Để thuận tiện trong việc làm nương rẫy, tôi đã chọn biện pháp tiêm thuốc tránh thai và cứ ba tháng tiêm một lần. Qua nhiều năm sử dụng, tôi thấy biện pháp này rất hiệu quả, vì nếu đến hạn tiêm thuốc mà quên tiêm thì sẽ có cán bộ dân số xã nhắc dùm, nên không khi nào bị quên tiêm cả.
Anh A Ber – cộng tác viên dân số thôn Khúc Na, xã Sa Bình tâm đắc: Mình làm cộng tác viên dân số thôn trên 21 năm nên quen rồi. Cứ hàng tháng, mỗi khi cán bộ thôn tổ chức họp dân để triển khai các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước là mình phối hợp để tuyên truyền các chính sách về DS-KHHGĐ cho bà con dân làng. Nhờ đó, nhiều người dân đã hiểu được lợi ích của việc sinh ít con để nuôi dạy cho tốt.
Hội viên Câu lạc bộ Không sinh con thứ 3 trở lên thôn Khúc Na, xã Sa Bình sinh hoạt hàng tháng
Chị Nguyễn Thị Lý – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ kiêm Chủ nhiệm Câu lạc bộ xã Sa Bình đánh giá: Câu lạc bộ xã hiện có 38 hội viên, hàng tháng sinh hoạt tại thôn 1 lần và hàng quý sinh hoạt toàn xã 1 lần. Nhờ đó, công tác truyền thông giáo dục được triển khai đồng bộ, trong đó đặc biệt chú trọng đến các thôn có mức sinh cao, nên nhận thức của người dân hiểu biết về chính sách DS-KHHGĐ có sự chuyển đổi hành vi bền vững về công tác dân số đã được nâng cao. Đến nay, toàn xã đã có 596 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 67%, tỷ lệ không sinh con thứ 3 trở lên giảm 3,7% so với năm 2016.
Làm việc với chúng tôi, ông Lý Văn Tỵ – Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sa Thầy cho biết: Với mục đích truyền thông chuyển đổi hành vi, vận động hội viên sinh ít con, giai đoạn 2012-2017, các Câu lạc bộ đã đưa vào hoạt động và tổ chức được 420 lượt sinh hoạt với 12.600 lượt người tham dự.
Trong những buổi sinh hoạt, ban chủ nhiệm các Câu lạc bộ phối hợp với Ban DS – KHHGĐ các xã, thị trấn tổ chức phổ biến chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Pháp lệnh Dân số sửa đổi tại điều 10, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, ngày 27/4/2015 của Chính phủ Quy định chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số… Đồng thời, tổ chức tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGĐ, sử dụng các biện pháp tránh thai, phòng chống HIV/AIDS, kỹ năng nuôi con khỏe và dạy con ngoan, thực trạng và hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh, tình dục an toàn và phòng tránh lây nhiễm qua đường tình dục, thực trạng mang thai ngoài ý muốn và nạo phá thai không an toàn…
Tham gia Câu lạc bộ, các chị em không những được trang bị kiến thức về KHHGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc, mà còn phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống cả về vật chất lẫn tinh thần. Từ đó, Câu lạc bộ xây dựng được nguồn quỹ do các hội viên đóng góp để tạo nguồn kinh phí duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động, đồng thời nguồn quỹ này cũng được sử dụng để hỗ trợ những gia đình hội viên gặp khó khăn cần vốn để phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống.
Một số Câu lạc bộ còn có hội viên là nam giới tham gia sinh hoạt, do đó ngày càng có nhiều nam giới nhận thức tốt hơn về vai trò của mình trong thực hiện KHHGĐ. Nhiều cặp vợ chồng có thể thoải mái trao đổi những thông tin về việc sử dụng các biện pháp tránh thai, cách đối nhân xử thế trong gia đình và có cái nhìn đúng đắn về vấn đề dân số, sức khỏe sinh sản/KHHGĐ để có thể cảm thông, chia sẻ với vợ mình. Với nội dung sinh hoạt phong phú, đa dạng như vậy, nên đến nay, các Câu lạc bộ trong huyện đã thu hút nhiều người tham gia, từ 200 hội viên năm 2012 tăng lên 250 hội viên năm 2017.
Từ những phương thức, kỹ năng truyền thông, vận động gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, mô hình Câu lạc bộ đã giúp nhiều cặp vợ chồng ý thức hơn về gánh nặng sinh nhiều con và ý nghĩa quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch để xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần hoàn thành các mục tiêu về DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2017. Trong đó nổi bật nhất là xã Sa Bình, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 25,6‰ giảm còn 22,4‰ và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 15,3% giảm còn 14,03%. Tại xã Sa Sơn, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 16,6‰ giảm còn 16,07‰ và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 15,2% giảm còn 14,3%. Tại xã Sa Nghĩa, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên từ 23,8‰ giảm còn 19,6‰ và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 18,7% giảm còn 17,1%…
Ông Lý Văn Tỵ – Phó Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Sa Thầy cho biết thêm: Trong thời gian tới, các Câu lạc bộ trên địa bàn huyện tiếp tục xây dựng quy chế hoạt động phù hợp với điều kiện cụ thể. Nội dung sinh hoạt phải phong phú, thiết thực, nên lồng ghép sinh hoạt với các tổ chức đoàn thể. Trong đó, đổi mới hơn nữa hình thức tuyên truyền vận động đối tượng tự nguyện tham gia sinh hoạt, cách thức sinh hoạt cho phù hợp với nhóm đối tượng để thu hút được nhiều người tham gia. Có chính sách khuyến khích tinh thần và vật chất đối với những hội viên tích cực tham gia sinh hoạt và thực hiện tốt công tác DS-KHHGĐ. Tranh thủ sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ một phần kinh phí cho hoạt động và huy động sự đóng góp tự nguyện của các hội viên để gây quỹ hoạt động có hiệu quả hơn, góp phần giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên một cách bền vững.
Bài và ảnh: Trần Văn Phúc
Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT