Phong tục của mỗi cộng đồng là nếp sống được hình thành trong quá trình lịch sử, được thừa nhận và truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nó được áp dụng vào đời sống, phục vụ cho mọi người, vừa mang tính thỏa thuận, vừa bắt buộc. Tuy nhiên cùng với thời gian, phong tục cũng dần được thay đổi, để phù hợp với đời sống hiện tại của từng thời kỳ.

nhà rông

Chúng tôi về làng Điệp Lôk, xã Ya Tăng của huyện Sa Thầy vào một buổi chiều muộn cuối mùa mưa. Ngôi làng của 127 hộ đồng bào dân tộc Ja Rai nằm bên bờ hồ thủy điện Ya Ly trù phú và thanh bình. Những cơn gió giao mùa se se thổi làm lao xao rặng lá ven đoạn đường nội làng. Hầu hết các ngõ xóm đã được đổ bê tông sạch sẽ, phong quang. Vài em nhỏ thong thả đạp xe, sân bóng chuyền có rất đông thanh niên đang hăng say tập luyện, tiếng hò reo, cổ vũ sôi động…

Cuộc sống của người dân làng Điệp Lôk hôm nay đã đổi thay nhiều lắm, năng động hơn, văn minh hơn. Nhưng đâu đó trong góc khuất của nếp nghĩ, vẫn đeo đẳng một quan niệm đã không còn phù hợp, đó là “Đàn bà không được lên nhà rông”, bất kể là ngày thường, lễ, tết hay mỗi khi làng có việc hệ trọng.

Già làng Rơ Lan Glưu năm nay đã ngoài 70 tuổi, ông từng một thời xông pha trận mạc trong kháng chiến chống Mỹ. Quãng thời gian này được tái hiện qua lời kể nhiệt thành và những tấm bằng khen, giấy khen, huy chương… được treo trang trọng trên bức tường chính của phòng khách.

Nói về việc đàn bà không được lên nhà rông, ông quả quyết: Sẽ bị Yàng quở phạt, nhẹ thì bắt người trong làng đau ốm, nặng thì chết người. Phải cúng con trâu, con dê mới được Yàng chấp thuận bỏ qua.

Nhưng tại sao đàn ông được lên nhà rông, còn đàn bà lại bị cấm? – Tôi hỏi. Ông trầm ngâm nhả khói thuốc: Cái này mình không biết đâu. Chỉ biết đời ông, đời cha trước đây đã như vậy, bây giờ phải làm theo thôi.

Câu chuyện giữa chúng tôi chùng xuống, mỗi người cố tìm trong suy nghĩ những lý do khác nhau, nhưng không sao lý giải được một cách thuyết phục.

Mang theo niềm trăn trở, chúng tôi tìm gặp Bí thư chi bộ làng Điệp Lôk A Ngok. Anh là một cán bộ trẻ, nhiệt tình và cởi mở nên cuộc trò chuyện khá sôi nổi. Nhưng khi được hỏi về quy định bất thành văn “Đàn bà không được lên nhà rông”, anh dè dặt: Có lẽ do quan niệm nhà rông là nơi trú ngụ của Yàng, nơi lưu giữ những chiến tích trong quá trình săn bắt, chiến đấu của trai làng. Vì vậy nơi này chỉ dành cho đàn ông thôi.

Mặc dù chưa thỏa đáng lắm, nhưng cứ theo cách giải thích ngập ngừng này, thì hình như còn một lý do tế nhị nào đó liên quan đến phụ nữ. Tôi chuyển hướng: Vậy trong chi bộ có vận động xóa bỏ quan niệm này không, nam nữ phải bình đẳng chứ? A Ngok chỉ tủm tỉm cười: Cái này khó đấy, phong tục mà. Chắc phải từ từ thôi.

Dạo quanh trên quãng đường làng, chúng tôi lân la hỏi chuyện một phụ nữ đang đập vỏ bời lời. Chị tên Y Nét, tuổi trạc bốn mươi có đôi mắt biết cười thân thiện: Mình chưa bao giờ lên nhà rông, đó là quy định của làng mà. Tất cả phụ nữ trong làng cũng không có ai lên nhà rông đâu, sẽ bị phạt đấy.

Tôi hỏi: Phạt gì hả chị? “Thì phải nộp tiền mua trâu, mua dê, hoặc heo, gà về cho làng cúng Yàng”.

Có lẽ ngay từ nhỏ, trẻ em gái trong làng đã được cha mẹ dặn dò, vì vậy tuyệt nhiên không ai tự ý lên nhà rông. Ngay khi làng tổ chức các hoạt động như lễ hội, phạt vạ… phụ nữ cũng chỉ quanh quẩn dưới sàn nhà rông, một ranh giới “Bất khả xâm phạm” chỉ dành riêng cho đàn ông.

Phong tục đàn bà không được lên nhà rông thực chất là một “lệnh cấm” bất thành văn. Trói buộc người phụ nữ vào những quy định khắt khe, cổ hủ. Lâu dần họ coi đó là lẽ đương nhiên, cam chịu và an phận. Tục lệ này cũng đã gây ra nhiều hệ lụy.

Cách đây 4 năm, cô văn thư UBND xã Ya Tăng mới chân ướt, chân ráo về làng Điệp Lôk, vì không tìm hiểu phong tục nên đã vô ý phạm điều cấm kỵ. Già làng yêu cầu phải nộp phạt một con trâu để cúng Yàng. Với tiền lương hơn hai triệu đồng mỗi tháng, cô lấy đâu ra nộp phạt cho làng, xin mãi già làng mới “duyệt cho mức án” nộp phạt một con gà trống trưởng thành.

Nhà rông là một biểu tượng văn hóa độc đáo của các DTTS ở Tây Nguyên. Đây là nơi lưu giữ những vật thiêng, tổ chức các lễ hội cộng đồng và hành xử luật tục… Vốn dĩ nó không phải là một thiết chế văn hóa, vì vậy những chức năng truyền thống cần được tôn trọng.

Tuy nhiên trước yêu cầu thực tiễn sự phát triển của xã hội, đặc biệt là thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhà rông văn hóa của mỗi thôn, làng cần phải bổ sung một số chức năng mới đó là: Nơi tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phổ biến kiến thức khoa học, kỹ thuật; giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa lành mạnh; nơi vui chơi giải trí, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân; nơi tổ chức hội họp, học tập cộng đồng… Nếu cứ giữ quan niệm phụ nữ không được lên nhà rông, có nghĩa tất cả các hoạt động trên chỉ dành cho nam giới, thật là mất công bằng.

Phong tục tốt đẹp có thể trở thành bản sắc văn hóa, nhưng những quan niệm lạc hậu sẽ là rào cản, làm chậm tiến trình xây dựng một xã hội văn minh.

Nguồn: www.baokontum.com.vn-HT