Ngày 25/7/2015, Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chính thức có hiệu lực thi hành. Với nhiều điểm sửa đổi, bổ sung so với 41/2010/NĐ-CP năm 2010, Nghị định 55/2015/NĐ-CP được cho là mang lại nhiều thuận lợi, ưu đãi cho người dân tiếp cận nguồn vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Với mạng lưới 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch trên cả nước, Agribank là ngân hàng chủ đạo, chủ lực đáp ứng nhu cầu vốn vay khu vực nông nghiệp, nông thôn, chiếm hơn 50% dư nợ tín dụng toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực này.
Để chủ động tuyên truyền, tư vấn, giải đáp thắc mắc các câu hỏi của thính giả Đài tiếng nói Việt Nam về nhu cầu vay vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã phối hợp với Hệ Văn hóa – Đời sống – Khoa giáo, Đài tiếng nói Việt Nam thực hiện tư vấn trực tiếp cho bà con về các nội dung liên quan đến Nghị định 55/2015/NĐ-CP.
Biên tập viên Đài tiếng nói Việt Nam: Nghị định 55/2015/NĐ-CP được ban hành với hy vọng là khắc phục được những bất cập của Nghị định 41/2010/NĐ-CP, tháo gỡ những khó khăn để bà con nông dân có thể dễ dàng tiếp cận vốn vay. Vậy những điểm mới cơ bản của 55/2015/NĐ-CP là gì?
Trả lời: Ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, thay thế Nghị định 41/2010/NĐ-CP. Nghị định 55/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới, khắc phục được những vướng mắc, hạn chế của Nghị định 41/2010/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Thứ nhất: Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã bổ sung thêm các cá nhân, hộ gia đình ngoài địa bàn nông thôn nhưng có tham gia sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi. Theo Nghị định 41/2010/NĐ-CP thì cá nhân, hộ gia đình ở thị trấn, địa bàn đô thị có tham gia sản xuất nông nghiệp không thuộc đối tượng được hưởng chính sách.
55
Nghị định 55/2015/NĐ-CP có nhiều điểm mới, khắc phục được
những vướng mắc, hạn chế của Nghị định 41/2010/NĐ-CP
Thứ hai: Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm đối với các đối tượng là cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, chủ trang trại, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã… lên từ 1,5 đến 2 lần so với quy định tại Nghị định 41/2010/NĐ-CP và đã chia thành nhiều mức khác nhau, phù hợp với thực tế cụ thể:
Nghị định 41/2010/NĐ-CP chia làm 3 mức: Tối đa 50 triệu đồng với cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; tối đa 200 triệu đồng với các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn; tối đa 500 triệu đồng với hợp tác xã, chủ trang trại.
Nghị định 55/2015/NĐ-CP chia thành 8 mức:
– Tối đa 50 triệu đồng với cá nhân, hộ gia đình ở ngoài khu vực nông thôn có sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
– Tối đa 100 triệu đồng với cá nhân, hộ gia đình ở tại địa bàn nông thôn; cá nhân và hộ gia đình cư trú ngoài khu vực nông thôn có tham gia liên kết với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp;
 – Tối đa 200 triệu đồng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm;
– Tối đa 300 triệu đồng với tổ hợp tác và hộ kinh doanh;
– Tối đa 500 triệu đồng với hộ nuôi trồng thủy sản, hộ khai thác hải sản xa bờ có ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với tổ chức chế biến và xuất khẩu trực tiếp;
– Tối đa 01 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp;
– Tối đa 02 tỷ đồng với hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ; các chủ trang trại nuôi trồng thủy sản;
– Tối đa 03 tỷ đồng đối với liên hiệp hợp tác xã nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, cung cấp dịch vụ phục vụ khai thác hải sản xa bờ.
Thứ ba: Nghị định 55/2015/NĐ-CP có quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đây là nội dung mới, nhằm cụ thể hoá Nghị quyết 14/NQ-CP, ngày 05/3/2014 của Chính phủ.

Thứ tư: Nghị định 55/2015/NĐ-CP đã đưa vào phương thức cho vay mới (cho vay lưu vụ), đây là một phương thức đã được Agribank áp dụng từ lâu và bây giờ được Chính phủ “pháp điển hoá”. Với phương thức này khách hàng chỉ cần lập một giấy đề nghị vay lưu vụ mà không phải lập lại thủ tục như cho vay khoản vay mới giúp tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại.

Thứ năm: Nghị định 55/2015/NĐ-CP khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp (được giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm).
Thứ sáu: Nghị định 55/2015/NĐ-CP quy định cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng.
Ngoài ra Nghị định 55/2015/NĐ-CP cũng có những điểm mới như cơ chế khuyến khích, quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro đối với các tổ chức tín dụng đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Biên tập viên Đài tiếng nói Việt Nam: Vậy để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng tại khu vực nông thôn, hiện nay Agribank đang có những sản phẩm cho vay nào?
Trả lời: Để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, hiện nay Agribank có khoảng trên 40 sản phẩm cho vay được chia theo đối tượng, ngành nghề, mục đích vay như:
1. Đối với hộ gia đình, cá nhân có một số sản phẩm cơ bản:
– Cho vay hộ nông dân theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP;
– Cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất kinh doanh, dịch vụ;
– Cho vay lưu vụ đối với hộ nông dân;
– Cho vay mua sắm hàng tiêu dùng, vật dụng gia đình;
– Cho vay xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, mua nhà ở;
– Cho vay người đi lao động đi làm việc ở nước ngoài;
– Cho vay đối với thuyền viên tàu cá gần bờ tại Hàn Quốc;
– Cho vay mua phương tiện đi lại;
– Cho vay hỗ trợ du học;
– Cho vay các đối tượng mua, thuê mua nhà ở thu nhập thấp khu vực đô thị;
– Cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình sản xuất kinh doanh quy mô nhỏ.
2. Đối với doanh nghiệp, hợp tác xã:
– Cho vay theo hạn mức tín dụng;
– Cho vay các dư án đầu tư;
– Cho vay ưu đãi xuất khẩu;
– Cho vay đồng tài trợ;
– Cho vay các dự án theo chỉ định Chính phủ;
– Cấp hạn mức tín dụng dự phòng;
– Bảo lãnh vay vốn; bảo lãnh dự thầu; bảo lãnh thực hiện hợp đồng; bảo lãnh thanh toán; bảo lãnh đối ứng…
Thính giả Sa Văn Hảo (Tân Sơn, Phú Thọ) hỏi: Tôi xin hỏi vay vốn Agribank phải làm thủ tục gì?
Trả lời: Agribank quy định thủ tục, hồ sơ vay vốn cho các đối khách hàng (doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại, hộ gia đình, cá nhân) là khác nhau. Trường hợp quý khách hàng hỏi không biết là chủ doanh nghiệp hay cá nhân. Đặt trường hợp là hộ nông dân vay vốn không phải bảo đảm bằng tài sản, hồ sơ rất đơn giản chỉ gồm:
– Giấy đề nghị kiêm phương án vay vốn (mẫu do Agribank cung cấp);
– Bản sao giấy CMND, sổ hộ khẩu;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận.
Ngoài ra Agribank cũng có rất nhiều sản phẩm để bà con nông dân lựa chọn cho phù hợp với yêu cầu của mình. Mời quý khách hàng đến chi nhánh Agribank nơi gần nhất để được hướng dẫn tận tình, chu đáo!
Thính giả Lê Văn Thanh (Hải Hoà, Tĩnh Gia, Thanh Hoá) hỏi:Chúng tôi là hộ nông dân, đang có nhu cầu để mở rộng trang trại của mình. Không biết là Agribank cho vay tối đa là bao nhiêu lâu? Số tiền cho vay tối đa là bao nhiêu? 
Trả lời:
Về thời hạn cho vay: Theo Điều 8 Quyết định 66/QĐ-HĐTV-KHDN, ngày 22/01/2014 của Hội đồng thành viên Agribank quy định Agribank và khách hàng thỏa thuận về thời hạn cho vay, kỳ hạn trả nợ căn cứ vào:
– Chu kỳ sản xuất, kinh doanh;
– Thời hạn thu hồi vốn của phương án, dự án đầu tư;
– Khả năng trả nợ của khách hàng;
– Nguồn vốn cho vay của Agribank;
– Thời hạn còn lại theo quyết định thành lập hoặc giấy phép hoạt động tại Việt Nam (đối với tổ chức); thời hạn được phép sinh sống, hoạt động tại Việt Nam (đối với cá nhân nước ngoài) theo quy định của cơ quan có thẩm quyền. Và tại Agribank cũng quy định thời hạn cho vay ngắn hạn từ dưới 12 tháng; trung hạn từ trên 12 đến 60 tháng; dài hạn trên 60 tháng.
Về số tiền cho vay: Đối với hộ nông dân có nhu cầu để mở rộng trang trại thì có thể vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP như sau: Chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn hoặc hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa 01 tỷ đồng, trường hợp có nhu cầu vay cao hơn mức vay không có tài sản bảo đảm thì phần vay vượt phải thực hiện theo quy định hiện hành về cho vay của Agribank
Tuy nhiên, để được vay không có tài sản bảo đảm như trên, quý khách hàng phải có Giấy chứng nhận kinh tế trang trại theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT, ngày 13/4/2011 quy định về tiêu chí và thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Quý khách hàng có thể nghiên cứu Thông tư này hoặc liên hệ với Phòng Nông nghiệp huyện để biết thêm chi tiết về tiêu chí và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại.
Thính giả Nguyễn Hữu Chiến (Tự Lãn, Việt Yên, Bắc Giang) hỏi:Vay Agribank 2 năm số tiền 50 triệu, được 1 năm thì do tai nạn lao động tôi mất khả năng lao động hoàn toàn, thuộc đối tượng người khuyết tật đặc biệt nặng, vợ đi làm công ty không ổn định, việc thất thường, con còn nhỏ. Tôi có nghe mọi người nói nếu không trả được thì ngân hàng sẽ khoanh sổ lại không tính lãi trong thời gian 2 năm để gia đình có điều kiện thu xếp trả, thì không biết có đúng không?
Trả lời: Tại Khoản 2 Điều 12 Nghị định 55/2015/NĐ-CP có quy định: Trường hợp thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp, đánh giá cụ thể thiệt hại để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính. Trên cơ sở báo cáo và đề nghị của UBND cấp tỉnh, Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức tín dụng được thực hiện khoanh nợ không tính lãi đối với dư nợ bị thiệt hại trong thời gian tối đa 2 năm.
Đối chiếu với trường hợp của Quý khách hàng hỏi không phải do thiên tai, dịch bệnh xảy ra trên phạm vi rộng theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP, do vậy không thuộc đối tượng được khoanh nợ theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên do khó khăn không thể trả nợ đúng hạn quý khách hàng có thể liên hệ và đề nghị để Agribank xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ.
Thính giả Trần Văn Khải (Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định) hỏi: Chỗ tôi mọi người nói khi vay vốn ngân hàng phải thế chấp bằng sổ đỏ. Tuy nhiên, tôi không muốn thế chấp sổ đỏ. Vậy ngoài thế chấp bằng sổ đỏ thì khi chúng tôi vay vốn tại Agribank, chúng tôi có thể sử dụng những tài sản khác hay không?
Trả lời: Tại Khoản 1 Điều 4 Quyết định số 35/QĐ-HĐTV-HSX, ngày 15/01/2014 của Hội đồng thành viên Agribank về ban hành quy định giao dịch bảo đảm cấp tín dụng trong hệ thống Agribank có quy định: Tài sản bảo đảm là tài sản hiện có hoặc tài sản hình thành trong tương lai mà pháp luật không cấm giao dịch. Như vậy, ngoài sử dụng quyền sử dụng đất để thế chấp vay vốn thì anh có thể dùng tài sản khác mà pháp luật không cấm giao dịch để thế chấp.
Riêng đối với khách hàng là cá nhân, hộ gia đình vay vốn không có tài sản bảo đảm theo chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP thì phải nộp cho tổ chức tín dụng cho vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (đối với các đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) hoặc giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận (Khoản 3, Điều 9, Nghị định 55/2015/NĐ-CP).
Thính giả Nguyễn Bá Chính (Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội) hỏi:Chương trình cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP thì làm đơn hỏi ở đâu?
Trả lời: Để thuận tiện giao dịch, tiết kiệm thời gian quý khách hàng có thể đến chi nhánh Agribank huyện Đan Phượng hoặc địa điểm giao dịch của Agribank gần nhất để được hướng dẫn cụ thể.
Thính giả tại Hạ Hòa (Phú Thọ) hỏi: Tôi được khuyên là khi trồng trọt, chăn nuôi thì nên mua bảo hiểm để lỡ có vấn đề gì như thiên tai dịch bệnh thì được công ty bảo hiểm thanh toán một phần. Tôi cũng được người nhà cho biết, nếu mua bảo hiểm nông nghiệp mà vay vốn thì được giảm lãi suất. Xin hỏi thông tin này có đúng không? Cụ thể như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 16 Nghị định 55/2015/NĐ-CP có quy định: Khách hàng khi tham gia mua bảo hiểm đối với đối tượng sản xuất nông nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay, được tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của các khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.
Ví dụ khách hàng vay vốn tại ngân hàng với lãi suất 10%/năm để trồng cây ăn quả, nếu mua bảo hiểm cho vườn cây này sẽ được ngân hàng giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm, khách hàng chỉ phải trả lãi vay ngân hàng tối đa 9,8%/năm.
Thính giả Phạm Văn Điền (Đoàn Đào, Phù Cừ, Hưng Yên) hỏi: Tôi có trang trại trị giá 4-5 tỷ, tôi có làm đơn vay ngân hàng. Năm ngoái, ngân hàng cho vay 200 triệu, hết hạn trả lại, muốn vay lên gấp đôi. Ngân hàng nói không có gì thế chấp không vay được trong khi tổng tài sản 4 tỷ, trang trại chưa có giấy chứng nhận của xã, xã mới dồn ruộng nên chưa có giấy cho người sử dụng đất. Tôi thật sự cần vốn tái sản xuất thì vay ở đâu, Chính phủ có gì hỗ trợ cho người chăn nuôi để chúng tôi vay được vốn phát triển?
Trả lời: Quý khách hàng có nhu cầu vay vốn để phát triển chăn nuôi nhưng chưa có giấy chứng nhận trang trại, nếu quý khách hàng muốn vay vốn không phải bảo đảm tài sản có thể vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP tại Agribank huyện Phù Cừ. Quý khách hàng nộp cho Agribank huyện Phù Cừ giấy xác nhận chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đất không có tranh chấp do UBND cấp xã xác nhận. Quý khách hàng nên làm thủ tục cấp giấy chứng nhận trang trại để được vay  theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP với số tiền cho vay tối đa 01 tỷ đồng để chăn nuôi. Quý khách hàng đang có tổng tài sản là 4 tỷ đồng, nếu tài sản này có đủ điều kiện thế chấp thì dùng tài sản này thế chấp cho ngân hàng để vay vốn.  Mời quý khách hàng đến Agribank huyện Phù Cừ để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết.
Một số thính giả ở Nam Định có thắc mắc: Chúng tôi có trồng xen canh lúa và một số cây trồng ngắn hạn khác. Chúng tôi không có nhu cầu vay vốn dài hạn mà chỉ muốn vay ngắn hạn sử dụng cho một vụ trồng. Vậy Agribank có cho vay theo hình thức này không? Nếu có thì điều kiện như thế nào?
 
Trả lời: Agribank và khách hàng thỏa thuận về thời hạn cho vay, kỳ hạn trả nợ căn cứ vào:
– Chu kỳ sản xuất, kinh doanh;
– Thời hạn thu hồi vốn của phương án, dự án đầu tư;
– Khả năng trả nợ của khách hàng;
– Nguồn vốn cho vay của Agribank.
Hiện nay, Agribank có nhiều sản phẩm về tín dụng để phục vụ bà con nông dân như: Cho vay theo hạn mức tín dụng đối với hộ gia đình quy mô nhỏ; cho vay lưu vụ. Khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp với nhu cầu của mình.
Một số thính giả có chung thắc mắc là: Khi chúng tôi về xã để xác nhận vào hợp đồng, giấy tờ vay vốn tại Agribank đều bị xã thu tiền lệ phí. Có lúc thu tới 200 nghìn đồng. Xin hỏi là khi vay vốn, chúng tôi có phải mất khoản lệ phí công chứng, chứng thực này hay không?
Trả lời: Ngày 12/10/2015, Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp có Thông tư liên tịch số 158/2015/TTLT-BTC-BTP quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý lệ phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký, chứng thực hợp đồng, giao dịch. Trong Thông tư quy định mức thu lệ phí cụ thể, đề nghị quý khách hàng tham khảo.
Riêng đối với cá nhân, hộ gia đình vay vốn tại tổ chức tín dụng theo quy định tại Điều 4 của Nghị định 55/2015/NĐ-CP:
– Không phải nộp lệ phí chứng thực hợp đồng thế chấp tài sản tại cơ quan thực hiện chứng thực hợp đồng (Khoản 2 Điều 2, Thông tư liên tịch số 158/2015/TTLT-BTC-BTP);
– Không phải nộp lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm tại cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm (Khoản 3 Điều 1 Thông tư liên tịch số 158/2015/TTLT-BTC-BTP).
Thính giả Lê Văn Ngọc (Đồng Nai) hỏi: Tôi có hộ khẩu thường trú tại Đồng Nai nhưng có lên Đăk Lăk mua đất trồng cà phê. Khi tôi hỏi vay vốn thì cán bộ ngân hàng ở Đăk Lăk bảo tôi phải về nơi đăng ký thường trú để làm thủ tục vay. Về nơi đăng ký thường trú thì nhà đất của tôi giá trị nhỏ, không đủ đảm bảo cho món vay nên cán bộ ngân hàng cũng từ chối không cho vay. Xin hỏi, đất ở Đắk Lắk tôi có sổ đỏ, có được dùng làm tài sản đảm bảo thế chấp cho khoản vay ở Đồng Nai được hay không?
Trả lời: Chúng tôi không rõ quý khách hàng đề nghị vay vốn ở tổ chức tín dụng nào? Tuy nhiên, theo Agribank quy định về địa bàn cho vay (Điều 10 Quyết định 66/QĐ-HĐTV-KHDN, ngày 22/01/2014 của Hội đồng thành viên Agribank) như sau:
– Chi nhánh loại I, loại II được cho vay đối với khách hàng có trụ sở hoạt động trên đăng ký kinh doanh (đối với tổ chức), cư trú (đối với hộ gia đình, cá nhân) tại địa bàn hành chính cấp tỉnh nơi chi nhánh đóng trụ sở;
– Việc cho khách hàng vay ngoài địa bàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Quyết định 66/QĐ-HĐTV-KHDN, ngày 22/01/2014 của Hội đồng thành viên Agribank phải được Tổng giám đốc Agribank chấp thuận bằng văn bản.
(Cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú)
Liên hệ với trường hợp cụ thể này, nếu quý khách hàng có đăng ký hộ khẩu tạm trú tại Đắk Lắk thì có thể liên hệ với Agribank Đắc Lắc (chi nhánh huyện nơi có đất trồng cà phê) được hướng dẫn và xem xét cho vay. Trường hợp không đăng ký hộ khẩu tạm trú tại Đắk Lắk (nơi có đất trồng cà phê) thì quý khách hàng có thể liên hệ với Agribank Đồng Nai để được hướng dẫn và xem xét.
Thính giả của Đài tiếng nói Việt Nam có nhu cầu vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có thể liên hệ trực tiếp các điểm giao dịch của Agribank trên toàn quốc để được giải quyết. Trường hợp còn có thắc mắc, liên hệ với Ban Khách hàng Hộ sản xuất và Cá nhân – Agribank (số 18 Trần Hữu Dực, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Hoàng Anh – TSC Agribank
Nguồn: www.agribank.com.vn-HT