Tỉnh Kon Tum có đường biên giới dài trên 280 km giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia. Địa hình trên toàn tuyến biên giới của tỉnh đều là rừng núi hiểm trở, mật độ dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp và đời sống của các tầng lớp nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, phong tục, tập quán còn lạc hậu; tình hình tội phạm và các tệ nạn xã hội, hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép, nhỏ lẻ; người dân phá rừng làm nương rẫy vẫn còn xảy ra…

Thực hiện Chương trình phối hợp “Vận động phụ nữ khu vực biên giới, giai đoạn 2017 – 2021”, Hội LHPN tỉnh và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã thống nhất thành lập mô hình “Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường” trên toàn tuyến biên giới; chọn xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi làm điểm cấp tỉnh với 30 thành viên là cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông và hội viên nòng cốt xã Đăk Dục để thực hiện thí điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai nhân rộng mô hình cho tất cả các xã biên giới của tỉnh.

th

Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường”. Ảnh: Tư liệu

Để thành lập mô hình, các cấp Hội đã phối hợp với lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyên truyền, vận động để hội viên, phụ nữ nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia mô hình; lựa chọn nhân sự tham gia Ban chủ nhiệm gồm: Chủ tịch Hội LHPN xã; thành viên đội công tác vận động quần chúng của Đồn Biên phòng Dục Nông và chi hội trưởng tiêu biểu. Nội dung hoạt động của mô hình tập trung công tác tuyên truyền, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phổ biến kiến thức pháp luật về bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới; bảo vệ môi trường, tài nguyên, khoáng sản…, thành viên mô hình tham gia cùng Bộ đội Biên phòng tuần tra, kiểm tra đường biên, cột mốc; nắm bắt tình hình tư tưởng của hội viên, phụ nữ, các tầng lớp nhân dân khu vực biên giới để báo cáo và đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh; phối hợp với Đồn Biên phòng tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao; hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững. Định kỳ hằng quý, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức kiểm tra, giám sát và định hướng hoạt động của mô hình.

Qua một năm thực hiện, mô hình đã tổ chức được 11 buổi/11 thôn tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác đối ngoại, Luật phòng chống ma túy, Luật phòng chống mua bán người, các văn bản Luật, Nghị định của Chính phủ liên quan về vấn đề biên giới quốc gia; kiến thức phòng chống các loại tội phạm, cuộc vận động “Rèn luyện phẩm chất đạo đức: Tự tin-Tự trọng-Trung hậu-Đảm đang”, xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, không tham gia phá rừng làm nương, rẫy; hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất… , thu hút trên 1.140 lượt hội viên phụ nữ và người dân tham dự. Các nội dung tuyên truyền, giáo dục được chuyển tải với nhiều hình thức đa dạng như: tổ chức truyền thông lồng ghép với các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn, tuyên truyền trên loa truyền thanh của xã, thông qua các buổi sinh hoạt chi hội, họp thôn…  Thực hiện Cuộc vận động “Tiếp bước cho em đến trường”, thành viên mô hình đã phối hợp với Đồn Biên phòng Dục Nông,  vận động trên 12 em học sinh bỏ học trở lại trường;  phối hợp với UBND xã vận động gần 200 hộ gia đình, trên 150 cá nhân đăng ký tham gia tự quản đường biên cột mốc, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển lâm khoáng sản trái phép.

Thông qua hoạt động của mô hình, đã góp phần thu hút đông đảo các tầng lớp phụ nữ xã Đăk Dục tham gia hoạt động Hội và phong trào phụ nữ; ý thức, trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong tham gia giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới gắn với bảo vệ tài nguyên, khoáng sản được nâng lên, khối đại đoàn kết dân tộc và vai trò tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới được phát huy. Đồng thời, công tác phối hợp giữa các cấp Hội với lực lượng BĐBP từng bước đi vào thực chất và phát huy hiệu quả trong thực tế, chất lượng hoạt động của hội phụ nữ cơ sở được nâng lên, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, củng cố thế trận lòng dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Trong năm 2017, tại địa bàn xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi không để xảy ra các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép; không có các vụ việc vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới.

Từ kết quả của mô hình điểm cấp tỉnh, trong năm 2017, Hội LHPN các huyện biên giới như Sa Thầy, Đăk Glei, Ia HD’Rai đã chủ động phối hợp với các Đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn thành lập thêm 03 mô hình “Phụ nữ DTTS, tôn giáo tham gia cùng BĐBP bảo vệ môi trường gắn với đường biên cột mốc”, tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên cột mốc thu hút hơn 60 hội viên, phụ nữ tham gia.

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mô hình điểm, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh trong chỉ đạo, định hướng nội dung hoạt động, kêu gọi các nguồn lực hỗ trợ để tăng cường đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Hội, các hội viên nòng cốt tham gia mô hình; xây dựng các mô hình sinh kế cho hội viên, phụ nữ gắn với sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên trong sản xuất và đời sống nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu; lồng ghép các hoạt động của chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” để hỗ trợ hoạt động Hội và phong trào phụ nữ khu vực biên giới; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình “Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường ” trên toàn tuyến biên giới tỉnh Kon Tum./.

Nguyễn Thị Liên- TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum-PL-HT