Trong một buổi sáng đầu xuân Đinh Dậu, chúng tôi về vùng căn cứ H16. H16 là bí danh của huyện Kon Rẫy trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, bao gồm cả xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà ngày nay), song làng Kon Rlong, xã Đăk Kôi bây giờ mới chính là nơi ghi dấu di tích lịch sử cách mạng Khu căn cứ Huyện ủy ngày trước.

Trong dòng chảy lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc, căn cứ H16 được biết đến như một biểu tượng cho tinh thần đấu tranh kiên cường, của tình đoàn kết làm nên sức mạnh quật khởi đánh tan Mỹ – Ngụy, góp phần thống nhất đất nước. Niềm tự hào về vùng quê giàu truyền thống cách mạng đã ăn sâu trong con tim, khối óc của biết bao thế hệ người dân nơi đây, trở thành động lực để đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Đăk Kôi quyết tâm ra sức phấn đấu xây dựng quê ngày càng giàu mạnh.

Người dân xã Đăk Kôi luôn tự hào về mảnh đất quê hương mình. Một vùng đất nằm lọt giữa các mạch núi hình vòng cung bao bọc xung quanh, lại gắn với núi rừng trùng điệp. Dẫn chúng tôi đi thăm các di tích gắn liền với vùng chiến khu quật cường, anh A Ken – người làng Kon Đó bảo, mỗi hòn đá, khe suối nơi đây đều gắn liền với những bước thăng trầm lịch sử và đấu tranh của xã Đăk Kôi và huyện H16.

a1

Làng Kon Đó, xã Đăk Kôi hôm nay. Ảnh: L.S

Xã Đăk Kôi cũng chính là quê hương của người anh hùng U Re. U Re là Tiểu đội trưởng du kích xã Đăk Kôi đã chỉ huy tiểu đội, bảo vệ dân làng, chống trả các trận càn quét của quân địch hơn 30 ngày đêm. Trước lúc hy sinh anh đã bắn rơi 1 máy bay L19, diệt được 10 tên giặc Mỹ. Anh được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang ngày 6/11/1978. Khí thế quật cường của những người du kích Đăk Kôi ngày ấy lúc nào cũng đọng mãi trong trí nhớ của dân làng.

Theo báo cáo thành tích của quân và dân xã Đăk Kôi, với niềm tin vào Đảng và Bác Hồ kính yêu, cán bộ và nhân nhân xã Đăk Kôi một lòng, một dạ theo cách mạng, bám đất, bám rừng giữ làng, thông minh sáng tạo “quyết chiến quyết thắng” và đã lập nhiều chiến công thần kỳ.

Từ một xã vùng sâu vùng xa của huyện Kon Rẫy bị địch càn qua xát lại nhiều lần, nhân dân nơi đây đã chịu đựng gian khổ, kiên cường, nuôi giấu, chở che cán bộ cách mạng, xây dựng vùng căn cứ cách mạng; vừa chiến đấu, vừa sản xuất, xây dựng lực lượng dân quân; bảo vệ Trạm xá Sao Đỏ; bảo vệ kho lương thực; bảo vệ kho vũ khí… Nhân dân ăn rau thay cơm, dành lúa gạo ủng hộ kháng chiến… Nhân dân xã Đăk Kôi đã gởi ra chiến trường 2.237 tấn gạo, 3.570 tấn bắp, 39 con trâu, 121 con heo, 58 nồi đồng, 60 ghè, ché; góp trên 100.000 ngày dân công phục vụ chiến trường…

Từ khu căn cứ này, nhiều đơn vị bộ đội chủ lực đã dừng chân như Trung đoàn 24, Trung đoàn 95, Tiểu đoàn 304, Đại đội đặc công 406… Kết hợp với bộ binh chủ lực, lực lượng dân quân địa phương chủ động tấn công quân địch nhiều trận bất ngờ; đẩy lui 116 trận vây ép, càn quét của quân địch, bắt sống hàng trăm tên, thu hàng trăm khẩu súng các loại, phá hủy 10 xe tăng, bắn rơi 3 máy bay quân địch…

Với thành tích chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, năm 1994 quân và dân xã Đăk Kôi đã được Đảng và Nhà nước phong tặng là đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang.

Ông Hồ Hoanh (quê Bình Định) – người chiến sĩ hậu cần của Liên khu 5 từng kể lại với tôi, năm 1954 ông tập kết ra Bắc; năm 1964 ông trở lại chiến trường miền Nam. Sau hơn 3 tháng vượt Trường Sơn, ông về đến xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà. Lúc bấy giờ, chiến trường Tây Nguyên bị bao vây chia cắt, đường Trường Sơn mới bắt đầu xây dựng, nên nhiều đoạn phải cắt rừng mà đi. Con đường chi viện lương thực, thực phẩm, vũ khí đạn dược từ miền Bắc vào miền Nam gặp rất nhiều khó khăn; nhưng với tinh thần tự lực cánh sinh, chịu đựng gian khổ, ông Hồ Hoanh cùng đồng đội đã dựa vào dân mà hoạt động cách mạng. Chính làng Kon Rlong xã Đăk Kôi là vị trí được đơn vị C13 thuộc Quân giới Liên khu 5 xây dựng một phân xưởng luyện gang để sản xuất vũ khí.

Trong kháng chiến chống Mỹ, vượt qua muôn vàn thiếu thốn, khó khăn, gian khổ, ác liệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ phân xưởng đã nêu cao ý chí cách mạng tiến công, tinh thần tự lực tự cường, tận dụng nhiều loại vật tư, vũ khí lấy được của địch chế tạo ra những vũ khí thô sơ, đơn giản nhưng đánh địch có hiệu quả, phù hợp với khả năng sẵn có của mình, góp phần trang bị tại chỗ cho các lực lượng vũ trang quân khu đánh địch trên các chiến trường…

Về thăm lại di tích này, thăm lại đồng đội ngày xưa, ông Hồ Hoanh vẫn  nguyên cảm xúc của cuộc chiến, vẫn nguyên vẹn nghĩa tình đồng đội, dù có người còn, người mất. Ông mong chính quyền địa phương có kế hoạch phục dựng và quản lý khu di tích phân xưởng này nhằm giữ lại dấu xưa. Vì đây là một trong những phân xưởng quân giới đầu tiên ở Tây Nguyên, để giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ con cháu mai sau.

a2

Bia di tích cách mạng căn cứ H16. Ảnh: L.S

Hiện tại, bia di tích lịch sử cách mạng Khu căn cứ H16 được xây dựng dưới gốc cây xoài rừng cổ thụ. Ngay cả những người nhiều tuổi nhất còn sống ở vùng đất này cũng không rõ cây xoài có tự bao giờ. Khi họ sinh ra, cây xoài đã cao lớn và lên xanh theo thời gian, đều đặn mỗi kỳ cho quả. Trải bao tháng năm, cây xoài hiện hữu như một chứng nhân của lịch sử ở vùng quê cách mạng này.

Đã hơn 42 năm trôi qua, kể từ ngày đất nước được thống nhất, nhưng những câu chuyện về vùng căn cứ H16 vẫn nguyên vẹn trong tâm thức của những cao niên ở xã Đăk Kôi. Những câu chuyện các cụ kể, đầy sức sống, khí thế đấu tranh quật cường được truyền qua nhiều thế hệ, là ngọn lửa nhiệt huyết của vùng quê giàu truyền thống cách mạng Đăk Kôi.

Dù còn nhiều khó khăn, song cuộc sống mới đang từng ngày thay da đổi thịt ở nơi đây. Di tích lịch sử cách mạng dưới cây xoài rừng cổ thụ được tu bổ, tôn tạo; được mọi người viếng thăm, tìm hiểu lịch sử của vùng đất kiên cường, trở thành địa chỉ giáo dục truyền thống cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Nguồn: www.baokontum.com.vn-HT