Góp phần giảm nghèo và ổn định cuộc sống, nhiều năm nay, người dân các thôn ở xã Ngọc Linh (huyện Đăk Glei) đã phát triển mạnh diện tích sâm dây. Trên những triền núi ở xã vùng cao này, cây sâm dây len lỏi khắp nơi, gần đây được bà con trồng xen vào những vườn cà phê, bời lời…
Vượt gần 60km từ trung tâm huyện qua những con đường ngoằn ngoèo, đồi dốc, chúng tôi mới đến được xã Ngọc Linh – một trong những xã khó khăn và xa xôi của huyện Đăk Glei.
Mùa này, Ngọc Linh mưa nhiều nên càng lạnh. Đứng ở trung tâm xã phóng tầm mắt nhìn phía xa xa, 17 thôn làng của xã nằm ở lưng chừng núi dựa vào dãy Ngọc Linh ẩn hiện trong sương mù.
Ông A Tiên – Chủ tịch xã Ngọc Linh cho biết, ngày trước, ở xã Ngọc Linh không ai nghĩ đến chuyện trồng sâm dây bởi cây mọc tự nhiên trong rừng rất nhiều. Dần dà, có nhiều thương lái tìm đến thu mua nên một số hộ gia đình đã kiếm giống ở rừng về trồng trên nương rẫy mình.
“Phong trào trồng sâm dây thực sự phát triển mạnh nhất ở Ngọc Linh từ 2 năm nay, kể từ khi có mô hình của Sở Khoa học – Công nghệ hỗ trợ cho 11 hộ dân ở thôn Tân Rát (xã Ngọc Linh) trồng hơn 2ha sâm dây rồi từ đó bà con đã học hỏi và làm theo nhiều hơn.” – ông A Tiên cho biết.
Khi chúng tôi đề cập việc muốn vào thăm vườn sâm dây của bà con ở thôn Tân Rát, Chủ tịch xã A Tiên tỏ vẻ lo lắng, vì cả tháng nay, Ngọc Linh mưa nhiều nên đường sá rất trơn trượt; trong khi muốn đến được vườn sâm dây phải cuốc bộ vào làng rồi leo núi hàng giờ đồng hồ.
A Hiêng – cán bộ văn phòng xã Ngọc Linh – thạo đường rừng núi – vì vào những ngày cuối tuần anh cũng thường xuyên leo núi để đến vườn sâm của gia đình mình – xung phong dẫn đường cho chúng tôi.
Thôn Tân Rát nằm cách trung tâm xã Ngọc Linh chừng 4km nhưng đường sá không dễ đi lại. Xe chỉ chạy được đến con dốc đầu làng, chúng tôi bắt đầu đi chân đất cuốc bộ. Nhìn những con dốc thẳng đứng phía sau làng thú thật cũng ngao ngán, nhưng nghĩ đến cảnh được nhìn thấy những vườn sâm dây trên đỉnh núi ở phía xa xa mây mù giăng phủ thì không ai chùn bước.
Chị Y Nun – thôn trưởng Tân Rát khoác sẵn áo mưa đứng chờ đoàn chúng tôi ngay trước ngôi nhà ở lưng chừng núi. Nhìn mọi người chân đất vượt núi, chị bảo phải cuốc bộ 2 giờ đồng hồ mới đến được vườn sâm dây nên các anh chị phải đeo ủng vào mới có thể vượt qua những đoạn đường trơn trượt và chống chọi được với cái lạnh ở vùng cao này. Vừa nói, chị Y Nun vội chạy qua mấy nhà hàng xóm kế bên để mượn cho chúng tôi mỗi người một đôi ủng.
Hành trình chúng tôi trải qua đầu tiên là những chân ruộng cao nhưng mùa này cũng đã bị nước trên đầu nguồn đổ dồn về ngập đến đầu gối; tiếp đến là băng qua chiếc cầu treo làm bằng cây gỗ cột thêm mấy cây tre chống đỡ để vượt con suối lớn nhất làng, rồi thêm hàng chục con dốc thẳng đứng. A Hiêng lãnh phần đi trước không quên nhắc nhở chúng tôi người sau bám vào người trước để tránh bị trượt chân ngã.
Sau 2 giờ đồng hồ, cuối cùng chúng tôi cũng lên được ngọn núi ở thôn Tân Rát. Điểm cao nhất cũng chính là vườn sâm dây của chị Y Nun được trồng xen với cà phê chè. Chiếc áo mưa tiện lợi của mỗi người chúng tôi cũng rách tả tơi vì đủ loại gai rừng va quệt, khiến cho cái lạnh càng lúc càng thẩm thấu buốt thịt da.
Dường như đã quen với cái lạnh nơi đây nên vừa lên đến nơi, chị Y Nun nhanh chóng đi quanh vườn kiểm tra xem thử những ngày mưa kéo dài có ảnh hưởng gì đến những cây cà phê chè được Nhà nước hỗ trợ vừa cho thu hoạch xong, cả mấy gốc sâm dây chị vừa trồng xen thêm từ tháng trước.
Năm 2013, lập gia đình ra riêng, chị Y Nun được bố mẹ cho 2 sào đất rẫy để trồng mỳ, trồng bắp. Năm 2014, chị không trồng bắp, trồng mỳ nữa mà chuyển sang trồng cà phê chè từ Đề án hỗ trợ và phát triển cà phê xứ lạnh của tỉnh.
Cùng năm đó, gia đình chị tiếp tục được chọn là 1 trong 11 hộ gia đình trong thôn thí điểm mô hình trồng sâm dây do Sở Khoa học – Công nghệ hỗ trợ. Được tập huấn về kỹ thuật, Y Nun đã trồng xen sâm dây vào vườn cà phê.
Chị Y Nun khoe những củ Sâm dây vừa mới thu hoạch. Ảnh: M.L
Chị Y Nun cho biết, điều đáng mừng nhất là các loại cây trồng sau khi xuống giống đều phát triển xanh tốt; một số gốc sâm dây được hỗ trợ nguồn giống lúc đầu có thể chưa thích ứng với điều kiện khí hậu nên bị chết cũng được chị cùng bà con dân làng lên rừng tìm kiếm giống về trồng dặm trở lại.
Sau 6 tháng xuống giống, vườn sâm dây của gia đình chị Y Nun đã cho củ rất to. Năm đầu tiên, gia đình chị bán được 20kg sâm dây, trung bình thương lái thu mua mức giá 100.000 đồng/kg. Không thu hoạch một lần, khi gia đình cần tiền mua sắm các nhu yếu phẩm gì chị mới bán nên cuộc sống cũng ổn định.
Kế bên rẫy chị Y Nun là 2 sào sâm dây trồng xen cà phê của gia đình ông A Bảy cùng thôn Tân Rát cũng được Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ.
Mặc cho những cơn mưa và cái lạnh thấu xương, ông A Bảy vẫn lên thăm nom rẫy từ sớm. Rẫy của ông A Bảy trồng rất nhiều loại cây như cà phê chè, sâm dây, cây thuốc lá… Ngoài 2 sào sâm dây này, gia đình ông A Bảy còn tự đầu tư trồng thêm 2 rẫy sâm dây xen cà phê chè nữa ở đồi núi kế bên, mỗi rẫy cũng chừng 2 sào.
Ông A Bảy cho biết, sâm dây dễ trồng, hợp với khí hậu nên không tốn nhiều công chăm sóc. Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, ông đã thu rải rác được 20kg sâm dây. Năm ngoái, chỉ thu hoạch những cây sâm dây cho củ to, gia đình ông bán được 30kg sâm dây. Đối với những cây củ còn nhỏ, gia đình để lại sang năm thu hoạch sau, nếu thu hoạch hết chắc cũng được hơn 60kg.
Đứng trên đỉnh núi của làng Tân Rát, nhìn khắp sẽ thấy đồi núi nơi đây đều được bà con trồng sâm dây xen với rẫy cà phê, bời lời.
Thôn trưởng Y Nun thống kê, cả thôn có 57 hộ gia đình. Ngoài 11 hộ gia đình được Sở Khoa học Công nghệ hỗ trợ giống, bây giờ gần như gia đình nào ở đây cũng trồng sâm dây, trung bình mỗi hộ trồng 1-2 sào. Cùng với việc tự kiếm giống ở rừng về trồng, bà con còn biết cách ươm hạt để nhân giống. Tuy nhiên, vì quy mô trồng còn ít nên sâm dây chưa giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu được nhưng cũng phần nào đảm bảo ổn định cuộc sống cho bà con.
Anh A Hiêng – cán bộ văn phòng xã Ngọc Linh tiết lộ thêm, ngoài Tân Rát, hiện, người dân ở 4 thôn phía tây của xã gồm Lê Toan, Kon Tuông, Đăk Nai, Kon Tua cũng trồng sâm dây rất nhiều; trung bình mỗi thôn phát triển từ 7-8ha.
Chia sẻ về kế hoạch giúp bà con nhân dân trên địa bàn các xã nhân rộng mô hình trồng sâm dây, chị Y Ngọc – Phó Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đăk Glei cho biết, đến nay, huyện Đăk Glei cũng đã giao cho Phòng Kinh tế – Hạ tầng xây dựng Đề án hỗ trợ bà con 6 xã phía bắc gồm Mường Hoong, Ngọc Linh, xã Xốp, Đăk Choong, Đăk Man, Đăk Blô nhân rộng, phát triển và bảo tồn giống cây dược liệu sâm dây. Theo kế hoạch, giai đoạn 2018-2020, đơn vị sẽ tiến hành hỗ trợ bà con các xã phát triển thêm 25ha sâm dây.
Quá trưa, cơn mưa rừng càng nặng hạt, sương giăng dày đặc hơn. Nhổ mấy bụi sâm dây, chị Y Nun đưa cho mỗi người nhai cho đỡ mệt để lấy sức xuống núi. Cái vị ngọt, thơm của sâm dây Ngọc Linh khiến cho cơ thể có phần khỏe khoắn và ấm áp trở lại.
Sâm dây là loại cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, để giúp người dân xã Ngọc Linh từng bước thoát nghèo, vươn lên làm giàu, địa phương nơi đây cần tiếp tục vận động người dân mở rộng diện tích trồng sâm dây để nâng cao mức thu nhập.
Nguồn: www.baokontum.com.vn-HT