1. Hướng dẫn tham gia giao thông khi thấy đèn vàng

Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ ban hành kèm Thông tư 06/2016/TT-BGTVT, khi tín hiệu vàng bật sáng, người điều khiển phương tiện phải cho xe dừng trước vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu không có vạch sơn “Vạch dừng xe” thì phải dừng phía trước đèn tín hiệu theo chiều đi.

Trường hợp phương tiện đã tiến sát đến hoặc đã vượt quá vạch sơn “Vạch dừng xe”, nếu dừng lại sẽ nguy hiểm thì phải nhanh chóng đi tiếp ra khỏi nơi giao nhau.

Ở nơi đường giao nhau vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu.

Trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.

Thông tư 06/2016/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/11/2016, thay thế Thông tư 17/2012/TT-BGTVT và Thông tư 27/2015/TT-BGTVT.

                          hình đèn gao thông

  1. Thông tư 22: Đánh giá học sinh tiểu học theo 3 mức từ ngày 06/11/2016

Đây là nội dung mới đáng chú ý được quy định tại Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy định đánh giá học sinh tiểu học ban hành kèm theo Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT.

Theo đó, vào giữa học kì I, cuối học kì I, giữa học kì II và cuối năm học, giáo viên căn cứ vào quá trình đánh giá thường xuyên và chuẩn kiến thức, kĩ năng để đánh giá học sinh đối với từng môn học, hoạt động giáo dục theo các mức :

  • Hoàn thành tốt: thực hiện tốt các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
  • Hoàn thành: thực hiện được các yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;
  • Chưa hoàn thành: chưa thực hiện được một số yêu cầu học tập của môn học hoặc hoạt động giáo dục;

Ngoài ra, cho phép giáo viên được đánh giá định kì bằng điểm số kết hợp với nhận xét đối với học sinh tiểu học; đối với đánh giá thường xuyên thì giáo viên đánh giá bằng nhận xét; đồng thời kết hợp đánh giá của giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, trong đó đánh giá của giáo viên là quan trọng nhất.

Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06/11/2016.

  1. Hướng dẫn tính tiền sử dụng đất khi bán lại nhà ở xã hội

Thông tư 139/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ 15/11/2016) hướng dẫn về cách tính tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Theo đó, tiền sử dụng đất phải nộp khi bán lại nhà ở xã hội được quy định như sau:

  • Đối với nhà ở xã hội là căn hộ, chung cư:

Tiền sử dụng đất phải nộp = 50% x S x Giá đất x Hệ số phân bổ tiền sử dụng đất

Trong đó:

S: Diện tích căn hộ, chung cư cần được xác định tiền sử dụng đất phải nộp;
Giá đất: Xác định theo giá đất ở do UBND cấp tỉnh quy định tại Bảng giá đất x hệ số điều chỉnh giá đất tại thời điểm bán lại nhà ở xã hội;
Hệ số phân bố: Xác định theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

  • Đối với nhà ở xã hội là nhà ở thấp tầng liền kề:  Nộp 100% tiền sử dụng đất

Tiền sử dụng đất xác định theo giá đất quy định nêu trên x diện tích đất nhà ở xã hội.

                            hình nhà

  1. Điều chỉnh giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất

Đây là nội dung được đề cập tại Nghị định 135/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Theo đó, giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất (QSDĐ) được quy định như sau:

  • Sở Tài Nguyên và Môi trường xác định đối với trường hợp đấu giá QSDĐ mà diện tích tính tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo Bảng giá đất):
    • ≥ 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc trung ương;
    • ≥ 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao;
    • ≥ 20 tỷ đồng trở lên đối với các tỉnh còn lại.
  • Cơ quan tài chính xác định theo phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất đối với trường hợp đấu giá QSDĐ mà diện tích tính tiền sử dụng đất của thửa đất hoặc khu đất đấu giá có giá trị (tính theo Bảng giá đất):
    • < 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc trung ương;
    • < 10 tỷ đồng đối với các tỉnh miền núi, vùng cao;
    • < 20 tỷ đồng đối với các tỉnh còn lại.

Ngoài ra, Nghị định còn sửa đổi, bổ sung một số quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.

Xem chi tiết tại Nghị định 135/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/11/2016.

  1. Áp dụng C/O điện tử theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN

Theo Thông tư 22/2016/TT-BCT về việc thực hiện Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN, C/O điện tử được xây dựng theo “Hướng dẫn Thực hiện thông điệp và Đặc tả xử lý C/O mẫu D ATIGA điện tử” và được truyền theo phương thức điện tử giữa các Nước thành viên thông qua Cơ chế một cửa ASEAN.

  • C/O điện tử có hiệu lực pháp lý tương đương C/O giấy; có thể được nộp, được cấp và được chấp nhận thay thế C/O giấy.
  • Về kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp C/O điện tử: tiến hành kiểm tra tương tự như C/O giấy; được chấp nhận, được xác minh là được khai đầy đủ và xác thực theo hình thức điện tử.
  • Về lưu trữ, duy trì dữ liệu hồ sơ C/O: các bên liên quan (Người sản xuất và/hoặc xuất khẩu; Tổ chức cấp C/O) phải lưu trữ chứng từ/hồ sơ đề nghị cấp C/O trong thời hạn 05 năm kể từ ngày được cấp/ ngày cấp.

Thông tư 22/2016/TT-BCT có hiệu lực từ ngày15/11/2016, bãi bỏ Thông tư 21/2010/TT-BCT và Thông tư 42/2014/TT-BCT.

                                                                                                                                   Nguồn: thukyluat.vn-HT