Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Theo đó, quy định đối với mỗi hành vi vi phạm về bình đẳng giới, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền với mức phạt tối thiểu là 200.000 đồng đến mức phạt tối đa lên đến 40.000.000 đồng.
Cụ thể các hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới và mức phạt tương ứng trong từng lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ; văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao; y tế và gia đình.
Ngoài các hình thức phạt chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung như: Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; tịch thu tang vật, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.
Tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc khôi phục lại quyền lợi hợp pháp đã bị xâm hại; buộc chịu mọi chi phí khám bệnh, chữa bệnh hợp lý trong trường hợp hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại về sức khoẻ, tinh thần; Buộc sửa đổi, bổ sung, thay thế, đính chính hoặc tiêu hủy các vật phẩm, văn hóa phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền, phổ biến về bất bình đẳng giới, định kiến giới… Người có hành vi vi phạm hành chính gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định còn phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. Đặc biệt, người nước ngoài vi phạm hành chính về bình đẳng giới trên lãnh thổ Việt Nam có thể bị xử phạt trục xuất.
Vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị
Hành vi vi phạm về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị được hiểu là hành vi làm ảnh hưởng, tác động đến việc nam hoặc nữ tự ứng cử, được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, vào cơ quan lãnh đạo của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp vì định kiến giới hoặc cản trở việc bổ nhiệm vào cương vị quản lý, lãnh đạo hoặc các chức danh chuyên môn vì định kiến giới hay hành vi hành vi đặt ra và thực hiện các quy định, quy chế có sự phân biệt đối xử về giới.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế
Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế được hiểu là hành vi làm ảnh hưởng, tác động đến việc nam hoặc nữ thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động kinh doanh vì định kiến giới hoặc hành vi quảng cáo thương mại gây bất lợi về uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ doanh nghiệp, thương nhân của một giới nhất định.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động
Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động được hiểu là hành vi phân công công việc mang tính phân biệt đối xử giữa nam và nữ dẫn đến chênh lệch về thu nhập hoặc chênh lệch về mức tiền lương, tiền công của những người lao động có cùng trình độ, năng lực vì lý do giới tính hoặc bất bình đẳng trong việc tuyển dụng lao động nam và nữ.
Lĩnh vực giáo dục và đào tạo
Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo được hiểu là hành vi:
– Vận động, ép buộc người khác nghỉ học vì lý do giới tính.
– Từ chối tuyển sinh đối với người có đủ điều kiện vào các khóa đào tạo, bồi dưỡng vì lý do giới tính hoặc do việc mang thai, sinh con, nuôi con nhỏ.
– Quy định tuổi đào tạo, tuổi tuyển sinh khác nhau giữa nam và nữ.
– Tổ chức giáo dục hướng nghiệp, biên soạn, phổ biến sách giáo khoa, giáo trình, chương trình giảng dạy có nội dung định kiến giới.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ
Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ được hiểu là hành vi làm ảnh hưởng, tác động nhằm cản trở nam hoặc nữ tham gia hoạt động khoa học, công nghệ vì định kiến giới.
Lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao
Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao được hiểu là hành vi:
– Cản trở nam hoặc nữ sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật, biểu diễn hoặc các hoạt động văn hóa khác, tham gia hoạt động thể dục, thể thao vì định kiến giới.
– Tự mình thực hiện hoặc xúi giục người khác thực hiện hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.
– Sáng tác, lưu hành, xuất bản hoặc cho phép xuất bản các tác phẩm có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới dưới bất kỳ thể loại, hình thức nào.
– Truyền bá tư tưởng, hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu mang tính phân biệt đối xử về giới dưới mọi hình thức.
– Thực hiện quảng cáo về các dịch vụ xã hội, thông báo, nhắn tin, rao vặt có nội dung cổ vũ, tuyên truyền bất bình đẳng giới, định kiến giới.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế
Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế được hiểu là hành vi:
– Tác động, làm ảnh hưởng đến người tham gia các hoạt động giáo dục sức khỏe vì định kiến giới.
– Xúi giục người khác phá thai vì giới tính của thai nhi.
Vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong gia đình
Hành vi vi phạm hành chính về bình đẳng giới trong gia đình được hiểu là hành vi:
– Cản trở thành viên trong gia đình có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật tham gia định đoạt tài sản thuộc sở hữu chung của hộ gia đình vì lý do giới tính.
– Không chăm sóc, giáo dục, tạo điều kiện như nhau giữa nam và nữ trong gia đình về học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển.
– Không cho nam hoặc nữ trong gia đình tham gia công tác xã hội vì định kiến giới.
– Áp đặt việc thực hiện lao động gia đình, sử dụng biện pháp tránh thai, triệt sản như là trách nhiệm của thành viên trong gia đình thuộc một giới nhất định.
Hành vi xâm phạm đến quyền bình đẳng giới nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Điều 130 Bộ luật hình sự 1999 về Tội xâm phạm quyền bình đẳng của phụ nữ
Người nào dùng vũ lực hoặc có hành vi nghiêm trọng khác cản trở phụ nữ tham gia hoạt động chính trị, kinh tế, khoa học, văn hoá, xã hội, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.
Điều 165 Bộ luật hình sự 2015 (đã lùi ngày có hiệu lực) về Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới
1. Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
b) Phạm tội 02 lần trở lên.
c) Đối với 02 người trở lên.
3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Nguồn: vietnammoi.vn-HT