Văn phòng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cho biết, Bộ này vừa công bố dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động sửa đổi. Trong đó, dự thảo có nhiều điểm khác về chế độ cho lao động nữ so với dự thảo lần 1.
Dự thảo lần 2 Bộ luật Lao động sửa đổi giữ nguyên thời gian nghỉ ngơi cho lao động nữ đến kỳ kinh nguyệt và cho con bú
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa công bố dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần 2 để tiếp tục lấy ý kiến để hoàn thiện đến hết 21/6/2017. Khác với dự thảo lần 1, dự thảo lần này sẽ vẫn giữ nguyên thời gian nghỉ ngơi cho lao động nữ đến kỳ kinh nguyệt và cho con bú.
Cụ thể, trong chương IX về những quy định riêng với lao động nữ của dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) lần thứ 2, lao động nữ trong thời gian đến kỳ kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút. Trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc. Thời gian nghỉ, lao động nữ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Dự thảo cũng giữ nguyên những quy định bảo vệ thai sản với lao động nữ, quy định người sử dụng lao động phải điều chỉnh công việc đối với người lao động mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng nếu công việc đang làm rõ ràng gây nguy hiểm tới sức khỏe của họ và cần có các biện pháp bảo vệ để bảo vệ sức khỏe cho họ trong một thời hạn nhất định.
Lao động nữ mang thai nếu có xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chứng nhận nếu tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động. Thời hạn mà lao động nữ phải báo trước cho người sử dụng lao động tùy thuộc vào thời hạn do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền chỉ định.
Trước đó, dư luận xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động nữ, các chuyên gia về giới phản ứng khá quyết liệt với dự thảo lần 1 Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó đề xuất bỏ Khoản 4 Điều 155 với nội dung: “Lao động nữ trong thời gian kinh nguyệt được nghỉ mỗi ngày 30 phút; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong giờ làm việc. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động”.