Từ chỗ cảm thông, cảm phục, Y Lợi và Mai Văn Tước đã đi đến quyết định về sống chung một mái nhà để làm điểm tựa cho nhau đi đến cuối cuộc đời. Đây cũng là câu chuyện tình yêu ngọt ngào và đầy xúc động của cặp vợ chồng người khuyết tật tiêu biểu đã không ít lần được các cấp tuyên dương khen thưởng.

Vượt lên chính mình

Trong những chuyến công tác về xã Ngọc Wang (huyện Đăk Hà) làm việc, tôi đã nhiều lần gặp Y Lợi – cán bộ văn phòng Đảng ủy xã Ngọc Wang, cô gái có thân hình nhỏ nhắn với căn bệnh vẹo cột sống bẩm sinh. Lợi gây thiện cảm với tôi bởi em có nụ cười rất hồn hậu và thái độ làm việc rất niềm nở, nhiệt tình.

Lần nọ thấy tôi khen Y Lợi, anh Phan Hồng Sơn – Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Wang mới “bật mí”, từ một cô học trò nghèo, nghị lực vươn lên trong học tập, Đảng ủy xã đã nhận em về đây công tác và tạo điều kiện cho em vừa học vừa làm. Y Lợi đã trở thành cán bộ văn phòng Đảng ủy xã được 10 năm nay và luôn hoàn thành tốt mọi công việc được giao với tinh thần và ý thức trách nhiệm rất cao. Không chỉ làm tốt công tác tham mưu cho Đảng ủy về công tác Đảng, Y Lợi còn được tin yêu bầu làm đại biểu HĐND xã đến nay đã 2 nhiệm kỳ liên tiếp.

nu-cuoi-hanh-phuc-cua-vo-chong-nguoi-khuyet-tat-y-loi-va-mai-van-tuoc

Nụ cười hạnh phúc của Y Lợi và Mai Văn Tước. Ảnh: Đ.T

Xong công việc ở Văn phòng Đảng ủy, Y Lợi đưa chúng tôi về thăm gia đình mình. Băng băng trên con đường bê tông sạch đẹp dẫn về làng Kon Rế, Y Lợi dừng chân ở trước một ngôi nhà nhỏ nằm sát mặt tiền đường hay nói đúng hơn là một cửa hàng bách hóa thu nhỏ mà ở đây gần như mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nào cũng có rồi giới thiệu với chúng tôi “đây là nhà của vợ chồng em”.

Nghe tiếng xe máy của vợ chạy vào khoảnh sân, anh Mai Văn Tước đang dọn rửa đống chén bát khách vừa ăn xong ngước lên nhìn vợ và những vị khách đến thăm nhà với nụ cười thật rạng rỡ trên khuôn mặt hiền lành.

Vừa rót nước mời khách, Y Lợi vừa khen chồng: “Anh ấy siêng năng, chăm chỉ lắm”. Y Lợi kể, tình yêu của hai người đến với nhau như cái duyên. Anh Tước sinh năm 1976 quê gốc ở huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, có hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Nhà anh Tước rất nghèo, lại đông anh em. Năm 1987, cả gia đình anh dắt díu nhau từ Thanh Hóa vào Đăk Lăk lập nghiệp. Bản thân anh Tước từ khi sinh ra đã bị cụt cả hai chân.

Lau đôi tay chai sần ướt nước, anh Tước tiếp lời vợ: Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế” nên từ hồi còn là thanh niên, tôi đã theo đoàn nghệ thuật người khuyết tật Ninh Bình đi biểu diễn khắp nơi để tự nuôi sống bản thân mình. Qua mai mối của bạn bè, tôi đã gặp được Y Lợi. Vì hoàn cảnh và cuộc sống khó khăn nên trong suốt quá trình tìm hiểu nhau, hai đứa chỉ có thể liên lạc với nhau qua điện thoại. Từ chỗ đồng cảm, sẻ chia khó khăn cùng nhau và rồi tình yêu đến với chúng tôi lúc nào không hay biết…

Anh Tước nhìn vợ cười bẽn lẽn kể lại thuở hai người mới yêu nhau rồi tiếp tục kể: Năm 2011, tôi quyết định “liều một phen” lên Kon Tum để “ra mắt” người yêu và gia đình người yêu của mình. Lần đầu gặp gỡ, hai con tim đã nhanh chóng hòa cùng nhịp đập. Chỉ hai tuần gặp mặt, tôi quyết định về quê đưa bố mẹ lên hỏi vợ. Thấy Lợi thương mẹ, lo lắng cho các em nhiều không muốn xa quê nên tôi cũng đã xin phép bố mẹ cho ở lại quê vợ để lập nghiệp…

Anh Tước chỉ lên bức ảnh cưới của hai vợ chồng treo trên tường rồi ngập ngừng bảo với chúng tôi: Ngày đó, cả hai bên gia đình đều khó khăn nên chúng tôi chỉ đưa nhau đi đăng ký kết hôn rồi 3 năm sau mới tổ chức đám cưới để mời bà con dân làng đến chung vui.

Nói về cái nghề buôn bán, anh Tước cho biết, ngày mới lấy nhau, hai vợ chồng được Liên đoàn Lao động tỉnh trao tặng cho căn nhà để ở. Y Lợi bàn với chồng dành hết số tiền tích góp được 5 triệu đồng để mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ để tạo công ăn việc làm cho anh. Mỗi ngày xong công việc ở cơ quan, Y Lợi lại băng băng trên chiếc xe máy chạy ra huyện lấy hàng hóa về cho chồng bán.

Sau một năm về ở cùng nhau, vợ chồng Y Lợi và Mai Văn Tước đã sinh được đứa con gái đầu lòng kháu khỉnh có gương mặt giống anh Tước như đúc khiến cho niềm hạnh phúc của hai vợ chồng khuyết tật càng nhân lên gấp bội. Y Lợi chia sẻ, từ ngày có con, vợ chồng càng nỗ lực hơn để mong sau sau này con gái sẽ có cuộc sống không vất vả như bố mẹ; còn về phần anh Tước luôn giúp vợ làm lụng mọi việc trong nhà để vợ yên tâm công tác xã hội.

Đầu năm 2017, vợ chồng Y Lợi và Mai Văn Tước được Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh trao tặng số tiền 15 triệu đồng để có thêm vốn liếng làm ăn. Từ số tiền vốn hỗ trợ, hai vợ chồng đã mở rộng quy mô cửa hàng tạp hóa, đầu tư mở quán bán bún phở; số tiền còn lại tích góp thêm mua cho anh Tước chiếc xe ba bánh để thuận tiện cho việc đi lại mua sắm đồ đạc cho việc buôn bán. Từ ngày có thêm cái nghề bán bún, phở buổi sáng, 3h sáng, vợ chồng Y Lợi – Mai Văn Tước đã thức dậy để chuẩn bị hàng quán.

Anh Tước bộc bạch: May mắn lớn nhất trong cuộc đời này đối với tôi là có được người vợ biết cảm thông, yêu thương và chia sẻ. Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi đó là có được đứa con kháu khỉnh, luôn là niềm động viên, an ủi tinh thần to lớn để vợ chồng tôi có thể đứng vững trên đôi chân tật nguyền, để không là gánh nặng cho xã hội.

Tú Quyên