Có câu chuyện vui rằng: Trên chiếc thuyền nhỏ có bốn người trong một gia đình: vợ, chồng, bố chồng và đứa con trai. Thuyền ra giữa dòng, bỗng gặp sóng to gió lớn, có nguy cơ sẽ chìm. Giải pháp duy nhất lúc này là phải có một người nhảy xuống nước để thuyền nhẹ bớt, những người còn lại mới có cơ may thoát chết. Vấn đề ở chỗ, ai sẽ là người chịu hy sinh bản thân?
Đứa con trai – dù là một đứa trẻ hay là chàng thanh niên lớn tướng, ngay từ đầu đã đương nhiên bị loại khỏi sự cân nhắc. Vì dù sao, nó cũng là cục vàng, là niềm hy vọng của cả nhà. Nó còn có trách nhiệm nối dõi tông đường.
Ông bố ư? Đương nhiên ông sẽ vui lòng hy sinh vì con cháu. Vì ông nghĩ ông sống đã đủ, hy sinh là phải. Chẳng lẽ để kẻ đầu bạc khóc kẻ tóc xanh? Nhưng con trai và con dâu sẽ không để ông làm vậy.
Người chồng là trụ cột, là cây tùng cây bách. Chuyện nguy hiểm khó khăn anh ta phải gánh vác. Nhưng tôi cam đoan có phân nửa đàn ông sẽ phải cân nhắc. Mình chết, liệu vợ có nuôi cha, nuôi con cái đàng hoàng? Rồi còn sự nghiệp của mình, đống tiền dành dụm, chiếc xe mới cáu vừa mua… Sự dùng dằng của anh ta sẽ mất khá nhiều thời gian.
Trách nhiệm nhảy xuống nước, đến 98% nhân loại sẽ nghĩ thuộc về người vợ. Đáng buồn thay, người vợ nào cũng nghĩ vậy. Bởi vì phụ nữ là phải hy sinh vì chồng con. Sự hy sinh ấy luôn được ca ngợi, tôn vinh, đến mức trở thành thước đo phẩm hạnh của phụ nữ.
Anh Hai tôi may mắn cưới được chị dâu hiền lành, vén khéo. Mấy năm mới cưới, anh chị rất khó khăn. Ba má tôi nghèo nên cũng không giúp được nhiều. Để đủ chi tiêu, chị Hai phải tằn tiện từng đồng. Khoảng thời gian chị đi học thêm nghiệp vụ, anh luôn về muộn nên chiều nào cả nhà cũng phải ăn cơm hộp. Chị chỉ mua hai hộp cơm cho hai cha con, còn chị thì hấp cơm nguội, ăn với mấy thứ xương xẩu cu Bi bỏ ra. Anh Hai tôi nhìn thấy, xót quá, anh giành đĩa cơm nguội của chị.Chuyện vui vậy thôi, nhưng ngoài đời thì sao? Tôi tin trong hoàn cảnh đó, các chị không cần suy tới tính lui, lập tức sẽ nhảy ùm xuống nước. Chị làm vậy là vì thương chồng con, vì cả bổn phận và trách nhiệm. Người chồng, sau một thời gian thương khóc vợ, anh ta sẽ cưới vợ mới. Nhưng không sao, chị sống mãi trong ký ức của chồng với hình ảnh lung linh là được. Phụ nữ mình là vậy, đáng thương gì đâu!
Chị kể với tôi: “Thấy anh Hai em ăn cơm nguội mà chị nuốt đĩa cơm không trôi. Thương lắm. Đàn ông, có mấy người được vậy”. Tôi rưng rưng. Đàn bà, chỉ cần chồng chịu ngó xuống mình một chút, đã cảm động nghẹn ngào. Dẫu nước sôi lửa bỏng cũng nhảy vào, huống chi là chuyện nhịn ăn nhịn mặc hay đau ốm giùm.
Chuyện vợ lui về phía sau chồng, chấp nhận gánh vác con cái, nhà cửa, cơm nước… nhiều ông chồng mặc nhiên xem đó là trách nhiệm của phụ nữ, chẳng có gì phải kêu ca, oán than. Đến lúc cơm không lành, canh không ngọt, phải lôi nhau ra tòa, tài sản, chồng luôn giành phần hơn, phủi bỏ mọi công sức đóng góp của vợ. Vì “bả chỉ ở nhà nấu cơm, có làm ra được cắc bạc nào đâu mà đòi chia”. Sự hy sinh của các chị, gặp phải ông chồng kiểu này coi như vô ích.
Tôi luôn tán thành phụ nữ hy sinh vì chồng con, nhưng cũng phải… coi mặt mũi ông chồng có đáng không. Và trong hoàn cảnh đó có thích hợp không?
Khi anh chị Hai tôi đã khấm khá, anh lôi chị ra cửa hàng, chọn giúp chị quần áo, son phấn. Lúc đầu chị rất e dè. Chị cứ sợ mới ngóc đầu lên đã hoang phí thì mọi thứ sẽ về con số không. Tôi dọa: “Anh Hai bây giờ làm phó giám đốc, ra đường rất nhiều gái đẹp vây quanh. Chị ăn mặc lùi xùi là mất chồng như chơi”. Chị hoảng, từ đó mới chịu chăm chút bản thân.
Nhiều người oán trách chồng khi khấm khá đã quên hết những ngày vợ chồng mắm muối có nhau, vội phụ rẫy vợ để chạy theo mấy cô trẻ đẹp. Đôi khi, lỗi lại là ở chính những người vợ không chịu thay đổi bản thân, cứ lẹt đẹt phía sau mà không chịu dấn bước ngang cùng chồng. Sự hy sinh của vợ lúc này, đối với chồng chỉ là ngu muội.
Tôi tin đàn ông luôn thích mẫu phụ nữ biết hy sinh. Nhưng hy sinh cũng phải tùy hoàn cảnh, đúng thời điểm. Người phụ nữ thông minh sẽ biết cách hy sinh bao nhiêu là đủ. Bởi vì ở đời, cái gì thừa mứa quá cũng thành lãng phí. Mà đã là đồ thừa, thì có mấy ai xem trọng.
Nguồn: phunudanang.org.vn-HT