Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những chiến công vang dội được coi là mốc son đánh dấu những bước ngoặt lớn của cuộc kháng chiến, khắc ghi sự phát triển cao của nghệ thuật quân sự và đóng góp được nhiều kinh nghiệm quý vào sự phát triển của cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn – Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 lịch sử. Ảnh: Tư liệu
Thắng lợi trong Xuân Mậu Thân 1968 thật to lớn, nổi bật nhất là ta đã giáng một đòn quyết định làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ; buộc chúng, dù ngoan cố và dù còn gây cho ta nhiều khó khăn nhưng đã phải bắt đầu quá trình xuống thang chiến tranh, bắt đầu rút quân Mỹ về nước, chuyển chiến lược sang “phi Mỹ hóa” chiến tranh và nhận đàm phán với ta ở Hội nghị Pari, mở ra một mặt trận tiến công mới của ta về ngoại giao, cũng như ta có thêm điều kiện kết hợp đấu tranh quân sự – chính trị – ngoại giao với địch, tạo ra bước ngoặc quan trọng cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước…
Nắm bắt thời cơ chiến lược để chủ động tiến công địch, làm chuyển biến cục diện chiến tranh
Như chúng ta đều biết, trong tác chiến, thời cơ là một trong các yếu tố cực kỳ quan trọng mà mỗi bên tham chiến cần tích cực tạo ra (tạo thời cơ) hoặc chủ động phát hiện để kịp thời chớp lấy (nắm thời cơ) để làm tăng sức mạnh gấp bội của thế, của lực bên mình nhằm giành thắng lợi trong chiến tranh, chiến cục hay trong các chiến dịch, trận đánh… Ở vào hoàn cảnh của một nước nhỏ phải chống lại kẻ thù xâm lược lớn có ưu thế vượt trội hơn về nhiều mặt, Đảng ta luôn coi trọng vận dụng yếu tố thời cơ, tích cực tạo nắm thời cơ chiến lược, thúc đẩy và chớp lấy thời cơ có lợi để hạ quyết tâm chiến lược kịp thời, chủ động đánh địch, giành thắng lợi trong cuộc chiến…
Cụ thể, ngay từ cuối năm 1965, khi ta nhận thấy Mỹ – ngụy chuyển chiến lược từ “chiến tranh đặc biệt” sang “chiến tranh cục bộ”, trong nghị quyết đánh Mỹ của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12/1965) đã chỉ ra phương hướng giành thắng lợi trong chiến tranh, đó là: Trên cơ sở tiếp tục quán triệt phương châm đánh lâu dài, chúng ta “cần cố gắng cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ, giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”. Phương châm chiến lược đó đã quán xuyến trong từng chiến dịch, từng đợt hoạt động quân sự và chính trị từ sau năm 1965.
Đội võ trang Ban Tuyên huấn đặc khu Sài Gòn – Gia Định (T4) trước giờ xuất kích tham gia chiến dịch Tết Mậu Thân 1968 lịch sử. Ảnh: Tư liệu
Đồng thời, khi phân tích tình hình địch, Đảng ta cũng nhận thấy: Mặc dù quân số địch lên tới mức cao, nhưng tất cả ưu thế về binh lực, hỏa lực và sức cơ động của chúng bị hạn chế rất nhiều trước thế trận và cách đánh của ta. Những chỗ yếu của địch không được khắc phục mà ngày càng bị khoét sâu thêm, đặc biệt là chỗ yếu về chính trị.
Vì thế, mặc dù địch vẫn còn rất chủ quan, nhưng nhìn chung “xu thế của tình hình trong cả nước năm 1968 là địch sẽ ngày càng chuyển vào phòng ngự một cách bị động hơn trước”, nhất là “So với mục đích chính trị, quân sự nhất định của chúng thì những cố gắng chiến tranh của Mỹ (cùng với những thiệt hại nặng nề của chúng) ở Việt Nam đã lên tới đỉnh cao”. Như vậy, địch vẫn đang ở thế thua, thế bị động và khó khăn… đây là một nhận định rất quan trọng, có ý nghĩa lớn để xác định thời điểm tiến hành đòn đánh quyết định trong việc hoạch định kế hoạch chiến lược “Tết Mậu Thân”.
Đồng thời, Đảng ta còn nhận thấy những khó khăn đó trong nội bộ nước Mỹ càng bị nhân lên khi mà chính quyền Giôn-xơn đang gặp phải những khó khăn to lớn về chính trị, kinh tế, quân sự, xã hội, ngoại giao do hậu quả bị sa lầy trong chiến tranh Việt Nam và năm vận động bầu cử Tổng thống ở Mỹ đang xích lại gần… Mặt khác, về phía ta, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhược điểm (cả về tổ chức lực lượng, về khả năng đánh tiêu diệt lớn, về đảm bảo hậu cần, về phong trào ở đô thị…) nhưng diễn biến cơ bản của tình hình vẫn cho thấy ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi.
Từ những phân tích, đánh giá diễn biến và xu thế phát triển của tình hình như thế, Đảng ta đã đi tới nhận định: “Chúng ta đang đứng trước những triển vọng và thời cơ chiến lược lớn. Đế quốc Mỹ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan về chiến lược”. Tình hình đó cho phép chúng ta có thể lợi dụng để buộc Chính phủ Mỹ phải quyết định chấm dứt chiến tranh “có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới – thời kỳ giành thắng lợi quyết định”…
Trên cơ sở đó, trong quá trình lãnh đạo và chỉ đạo quân và dân ta ở cả hai miền Nam, Bắc đánh thắng chiến lược “chiến tranh cục bộ”, Đảng ta đã luôn luôn kiên định chủ trương “giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam”- chủ trương đó quán xuyến suốt gần 3 năm (1965-1967) mà Hội nghị Trung ương 12 (12/1965) và Hội nghị Trung ương 13 (l/1967) đã dự kiến. Do đó, khi phát hiện thấy động thái mới của địch sau mùa khô 1966 – 1967, Đảng ta đã sớm dự kiến được xu thế phát triển của cuộc chiến tranh, kịp thời phát hiện được thời cơ để hạ quyết tâm chiến lược bằng việc mở cuộc tiến công Tết Mậu Thân 1968.
Rõ ràng, đây là một quyết định quan trọng sau 3 năm tạo thời cơ, chờ đón thời cơ và chớp lấy thời cơ để “giành thắng lợi quyết định trong một thời gian tương đối ngắn trên chiến trường miền Nam” của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng. Thực tế cũng đã cho thấy đây là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo, là một sáng kiến lịch sử của Đảng ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước.
Chọn hướng, mục tiêu và nghi binh lừa địch sáng tạo
Trong đợt Tết Mậu Thân 1968, hướng tiến công chiến lược chủ yếu của ta là các thành phố, trung tâm đầu não của Mỹ – ngụy, trọng điểm là Sài Gòn – Gia Định, Huế, Đà Nẵng; hướng phối hợp chiến lược quan trọng là mở chiến dịch lớn ở Đường 9 – Khe Sanh nhằm diệt bộ phận quan trọng sinh lực Mỹ, căng kéo và kìm chân địch trên mặt trận này để hỗ trợ cho hướng tiến công chiến lược chủ yếu, đồng thời nghi binh thu hút địch. Trong đó, hướng tiến công chủ yếu nhằm vào đô thị miền Nam thực sự đã là một bất ngờ lớn, khiến cho địch trên chiến trường không kịp trở tay, khiến cho giới lãnh đạo Mỹ ở Washington ngày đó đã phải “sững sờ, choáng váng”.
Đây là lần đầu tiên trong suốt nhiều năm kháng chiến, chúng ta đã đưa được chiến tranh vào đô thị; hoạt động đó đã biến hậu phương và hậu cứ địch thành chiến trường của ta. Đó là một thành công lớn của Đảng trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh – nghệ thuật đánh hiểm, đánh đau, đánh vào yết hầu, vào trung ương thần kinh địch. Bởi vì, cùng với bấy nhiêu quân, với thế trận và so sánh lực lượng khi bước vào Đông Xuân 1967-1968, nếu chúng ta vận dụng một chiến lược khác, chọn một hướng tiến công khác thì có lẽ cuộc chiến tranh sẽ không thay đổi một cách đột biến và đẩy địch vào thế bị nguy khốn cả về quân sự và chính trị như dịp Tết Mậu Thân.
Nhất là, trong Tết Mậu Thân, đòn tiến công của ta đã nhằm trúng vào các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn (các sở chỉ huy, sân bay, bến cảng, kho tàng, căn cứ truyền tin, đầu mối giao thông). Đó là các mục tiêu “yết hầu”, “huyết mạch”, “tim óc” của địch; là những mục tiêu tập trung sinh lực cao cấp của địch, những mục tiêu nhạy cảm nhất trong bộ máy chiến tranh của chúng ở miền Nam; trong đó “Tòa đại sứ Mỹ”- nơi biểu trưng cho quyền uy của Mỹ tại miền Nam Việt Nam đã bị ta tiến công và bị chiếm giữ trong nhiều giờ. Điều này đã làm cho trận đánh vào “sứ quán Mỹ” vượt xa tầm vóc chiến thuật và ý nghĩa của một trận đánh cụ thể, khi toàn thế giới hướng về đó và phán xét hành động này như thể toàn bộ cuộc chiến tranh sẽ được quyết định bởi việc giành giật quyền kiểm soát “sứ quán” của cả hai bên.
Đặc biệt, các hoạt động nghi binh chiến lược nhằm phân tán lực lượng chủ lực địch, làm lạc hướng sự đề phòng của chúng đã được các cơ quan chỉ đạo chiến lược và các cấp chỉ huy chiến trường của ta triển khai thực hiện từ trước Tết Mậu Thân, bằng nhiều biện pháp, nhiều hình thức kết hợp như: Từ những tháng cuối năm 1967, chúng ta đã lần lượt mở một số chiến dịch ở vùng ven biên giới, ở Tây Nguyên, đồng thời chúng ta duy trì các hoạt động quân sự ở vùng ven đô thị và ở vùng nông thôn đồng bằng như thường lệ…
Các hoạt động như vậy khiến cho địch lầm tưởng rằng lực lượng của ta đã bị thương vong qua cuộc phản công chiến lược mùa khô 1966-1967, không còn khả năng mở các chiến dịch ở đồng bằng như trước. Trên mặt trận ngoại giao, vào tháng 12/1967, Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố phóng thích 2 tù binh Mỹ. Tiếp đó, Bộ trưởng ngoại giao ta ngỏ ý tại một buổi chiêu đãi đoàn ngoại giao rằng Việt Nam dân chủ cộng hòa sẽ đi vào đàm phán với Mỹ.
Điều đáng lưu ý là trước đó, chưa bao giờ ta công khai tuyên bố sẽ làm gì nếu Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc. Tín hiệu ngoại giao này càng làm cho nội bộ chính quyền Mỹ bị phân hóa. Nhưng điều quan trọng hơn lại là ở chỗ, qua những cử chỉ ngoại giao đó, giới lãnh đạo Mỹ càng thêm tin chắc là ta đã thực sự bị suy yếu trên mặt trận quân sự. Nhất là, bước sang tháng 1/1968, ta đã chủ động mở hai chiến dịch quân sự lớn (một ở Nậm Bạc và một ở Đường 9 – Khe Sanh). Ngay lập tức, Khe Sanh đã thu hút sự chú ý của Bộ Chỉ huy Quân sự Mỹ tại Sài Gòn và giới lãnh đạo Washington.
Sau này, một tác giả Mỹ là Maicơn Máclia, đã bình luận rằng: đạn pháo của chủ lực miền Bắc giội xuống Khe Sanh đã “rơi ngay vào thủ đô Washington”. Giới lãnh đạo Mỹ khi đó nhận định Khe Sanh là một “Điện Biên Phủ” trong ý đồ chiến lược của Bộ thống soái Việt Nam.
Vì vậy, Giônxơn đã lệnh cho Tham mưu trưởng liên quân Mỹ phải cam kết giữ Khe Sanh bằng mọi giá… Chính sự phán đoán sai lầm này của Mỹ đã buộc Mỹ phải chịu hậu quả nặng nề trong dịp Tết Mậu Thân. Rõ ràng, nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đã thể hiện rất rõ trong nghệ thuật chọn hướng, chọn mục tiêu và nghi binh lừa địch.
Nguồn: tuyengiao.vn-HT