Mặc dù không biết thương lái thu mua loại bọ cánh cứng để làm gì, nhưng với giá thu mua từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng/kg, một số người dân ở các địa phương trên địa bàn tỉnh lùng sục bắt để bán kiếm tiền… Điều đáng nói, loại bọ cánh cứng mà thương lái tìm mua là loại bọ có độc.

Chúng tôi tìm về địa bàn huyện Đăk Glei để tìm hiểu vụ việc thương lái lung sục trên địa bàn, tìm mua loài bọ cánh cứng trong thời gian gần đây. Tại thôn Đăk Sút, xã Đăk Kroong, khi được chúng tôi hỏi tên loài bọ thì hầu như người dân ở đây đều không biết tên, nhưng khi nghe thương lái đến mô tả loài bọ này và đặt vấn đề mua giá cao, họ liền rủ nhau vào rẫy tìm bắt về bán.

Theo lời giới thiệu của người dân, chúng tôi tìm đến một cửa hàng tạp hóa ở ngay khu vực ngã ba Đăk Môn-  Đăk Long – Đăk Kroong, nơi đây có thu mua loài bọ cánh cứng có độc.

201908251551336a

Loài bọ cánh cứng đang được thương lái tìm mua. Ảnh: PN

Chị Y.H (40 tuổi), chủ tiệm tạp hóa cho biết: Hơn một tuần trước có người phụ nữ ở phía Bắc vào quán tìm mua với giá cao. Hỏi thì họ nói bán sang Trung Quốc làm thuốc. “Vì muốn kiếm ít lời nên tôi nhận thu mua, cứ tối là họ chạy xe máy tới gom với giá 1,5 triệu đồng/kg” – chị Y.H nói thêm.

Chính vì muốn kiếm tiền, không chỉ người lớn mà nhiều trẻ em ở xã Đăk Môn và xã Đăk Kroong mang bao vào rẫy, ra ruộng lúa, ven sông suối tìm bắt loại bọ cánh cứng có độc nhằm bán cho thương lái; và đã có những người sơ ý bị chất độc của loài bọ này gây tổn thương, phải đến cơ sở y tế điều trị.

Cụ thể, vào trưa ngày 20/8, A Ngãi (10 tuổi, thôn Broong Mẹt, xã Đăk Môn) cùng 2 em nhỏ khác ở xã Đăk Môn và xã Đăk Kroong rủ nhau vào rẫy lúa gần làng tìm bắt loại bọ độc này. Hết buổi, 3 em bắt được gần chục con đem bán cho chủ tiệm tạp hóa được hơn 10.000 đồng rồi đem mua bánh kẹo ăn.

Tối về, cháu A Ngãi kêu nóng, rát ở quanh cổ và miệng. Thấy vậy, gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi ngay trong đêm. Tại đây, bác sĩ Đinh Văn Hưng cho biết, cháu A Ngãi nhập viện trong tình trạng quanh cổ, miệng bị phỏng nước.

Theo bác sĩ Hưng, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân bị phỏng, nhưng dựa trên lời kể của gia đình, có thể phỏng đoán vết phỏng là do chất độc loại côn trùng cháu bắt trước đó gây ra. Sau 3 ngày điều trị, bệnh viện cho A Ngãi xuất viện về nhà.

201908251602256

Vết phỏng do bọ cánh cứng gây ra trên cổ cháu A Ngãi. Ảnh: PN

Bà Hoàng Thị Thủy – Chủ tịch UBND xã Đăk Kroong cho biết, chính quyền địa phương đã nắm được thông tin thương lái đến mua loài bọ cánh cứng có độc với giá cao. Qua đó, chính quyền kịp thời khuyến cáo người dân không nên lùng bắt loại bọ này, vì chúng có độc, gây bỏng; đồng thời chỉ đạo công an xã cử lực lượng xuống địa bàn kiểm tra, xác minh sự việc.

Theo nguồn tin của phóng viên, một số địa điểm ở các xã Đăk Nông, Đăk Dục, Sa Loong, Đăk Xú…(huyện Ngọc Hồi); Đăk Hring, Ngọc Wang, Đăk Ui (huyện Đăk Hà) và Văn Lem, Đăk Trăm, Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô)… cũng có tình trạng người dân đi lùng bắt bọ cánh cứng bán cho thương lái với giá từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng/kg.

Một người bạn tôi ở xã Đăk Ui (huyện Đăk Hà) cũng thông tin, mấy ngày nay, tại một số cánh đồng khu vực đập Đăk Ui có một vài trường hợp người dân đi bắt bọ cánh cứng. Ngoài ra, trên mạng xã hội, một số người dân còn công khai việc thu mua loại bọ này với giá khá cao.

Chiều 23/8, ông Phạm Văn Lập – Chánh Văn phòng UBND huyện Đăk Hà cho chúng tôi biết, UBND huyện đã nhận được thông tin về việc người dân đi lùng bắt loài bọ lạ để bán cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa tìm hiểu, nắm bắt cụ thể vụ việc trên. Nhưng, UBND huyện kịp thời chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động người dân trước mắt không tham gia bắt loại côn trùng này.

Cũng trong chiều 23/8, trao đổi với phóng viên, ông Phan Văn Tuân – Chánh Văn phòng UBND huyện Đăk Tô cho biết, một số địa phương đã báo cáo với UBND huyện về tình trạng thương lái tìm mua loại bọ cánh cứng có độc trên địa bàn. Và ở một số địa bàn cũng có trẻ em tham gia bắt loài bọ này để bán kiếm tiền.

Cũng theo ông Phan Văn Tuân, UBND huyện Đăk Tô đã chỉ đạo các xã kiểm tra tình trạng này, đồng thời có các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần cẩn thận, không tìm bắt loại bọ này…

Liên lạc với phóng viên qua điện thoại, một lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Hồi cho biết, chưa nghe nói có thương lái tìm mua loại bọ cánh cứng và hứa sẽ chỉ đạo cán bộ phòng phối hợp với chính quyền các xã trên địa bàn huyện kiểm tra, nắm tình hình cụ thể để báo cáo cấp trên và sẽ thông tin lại cho phóng viên các cơ quan báo chí biết.

Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của mình, trước khi có ý kiến chính thức của các cấp chính quyền và cơ quan chức năng, người dân trên địa bàn cần cẩn trọng trước tình trạng thương lái mua loại bọ có độc với giá cao mà tìm bắt; không nên vì hám lợi trước mắt mà “tiền mất tật mang”.

Phúc Nguyên. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT