a1-16968366575621736647460-16968

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập (hàng đầu, thứ 2 từ phải sang) với các đại biểu phụ nữ các dân tộc thiểu số tại Đại hội “Phụ nữ 5 tốt” toàn miền Bắc, tháng 4/1964. Ảnh tư liệu

115 năm kể từ ngày sinh, 27 năm kể từ ngày mất nhưng nụ cười đôn hậu, mái tóc xanh bất chấp tuổi tác cùng những lời chỉ bảo ân cần của Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập vẫn như đang hiện hữu. Như cánh chim không mỏi, bà tận hiến cuộc đời phong phú, đau thương và sáng tạo của mình cho hòa bình, cho sự phát triển của phụ nữ.

“Hoàng hậu đỏ”

Bà Nguyễn Thị Thập tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Tốt, sinh ngày 10/10/1908 tại xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trong một gia đình nông dân nghèo có truyền thống yêu nước. 17 tuổi, bà nghe lời cha đi lấy chồng.

Sau khi sinh con, bất đồng quan điểm sống giữa hai vợ chồng khiến bà gửi lại con cho nhà chồng nuôi và dũng cảm quay về nhà ngoại. Bước ra khỏi cánh cửa gia đình, bà mang thanh xuân hòa vào dòng thác mạnh mẽ của Cách mạng.

Tháng 5/1935, bà bị Pháp bắt giam tại Khám Lớn- Sài Gòn nhưng do không đủ chứng cứ nên thực dân Pháp buộc phải trả tự do cho bà. Trong quá trình hoạt động, bà Nguyễn Thị Thập và ông Lê Văn Giác đến với nhau qua sự cảm phục tài năng, đức độ. Hạnh phúc của ông bà gắn liền với những chiến công trong hoạt động Cách mạng. Họ nổi tiếng đến mức chính quyền tay sai đặt biệt danh cho hai người là “Vua Giác” và “Hoàng hậu đỏ”.

23308-cld969-1696836657548571828

Chân dung bà Nguyễn Thị Thập. Ảnh tư liệu

Năm 1940, khi bụng mang dạ chửa, bà Thập vẫn trực tiếp tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Trong thời khắc khốc liệt nhất của cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, kỳ lạ là bà “như quên hẳn mình đang có thai gần kỳ sinh nở.

Tóc búi cao, quần xắn đến gối, thắt chặt bụng chửa bằng chiếc khăn rằn, bà khi lên trước, khi chạy ngược đằng sau nhắc nhở anh em chỉnh tề đội ngũ mà người cứ nhẹ tênh, tưởng mình như đang còn con gái”.

“Cuộc đời và sự nghiệp của cô Nguyễn Thị Thập gắn liền với hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, với phong trào đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cô là nữ lãnh đạo tiêu biểu của Cách mạng và phong trào phụ nữ Việt Nam. Cô đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Không chỉ là người phụ nữ gan dạ, kiên trung, cô Mười Thập còn là người phụ nữ đảm đang, chịu thương chịu khó; cô đã sinh thành, nuôi dưỡng những người con của mình bằng tấm lòng nhân ái, bằng tình yêu quê hương đất nước và sự giản dị, mẫu mực trong lối sống. Trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, cô Mười Thập sẵn sàng hi sinh, đặt lợi ích chung của cộng đồng, của dân tộc lên trên lợi ích của cá nhân. Với tài năng, trí tuệ, bản lĩnh cách mạng và những hi sinh, cống hiến cho đất nước, cô Nguyễn Thị Thập mãi là tấm gương ngời sáng của các thế hệ phụ nữ Việt Nam. Cán bộ, hội viên, phụ nữ cả nước vô cùng tự hào và sẽ không ngừng phấn đấu vươn lên, bồi đắp tô thắm thêm truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của phụ nữ Việt Nam, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa”.

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trong thời gian dài nhất: 18 năm

Sau Hiệp định Geneve (1954), đất nước bị chia đôi. Theo chỉ đạo của Trung ương, bà tập kết ra miền Bắc. Suốt từ đó cho đến lúc từ trần, bà dành toàn bộ tâm trí, sức lực cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ, giải phóng con người.

Bà được bầu là Hội trưởng, rồi sau này là Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam trong thời gian dài nhất: 18 năm (1956-1974). Liên tục từ khóa I đến khóa VI, bà được bầu vào Quốc hội và giữ chức vụ Phó Chủ tịch Quốc hội liên tục trong 21 năm, từ khóa II đến khóa VI (1960-1981).

a7-16968366575411951421014

Bà Nguyễn Thị Thập (hàng đầu, thứ 6 từ phải sang), Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam (1956-1974) cùng với các đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV tại Hà Nội, tháng 3/1974. Ảnh tư liệu

Trong lịch sử phát triển vẻ vang của Hội LHPN Việt Nam, giai đoạn từ 1960 đến 1975 để lại dấu ấn đậm nét về vai trò của Hội trong việc tham mưu cho Đảng về công tác vận động phụ nữ qua việc tổ chức, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả nhiều phong trào thi đua yêu nước; phong trào thi đua sôi nổi của phụ nữ thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

“Tôi đã cố gắng, đang cố gắng và sẽ cố gắng phấn đấu làm tròn trách nhiệm đảng viên của mình cho đến hết cuộc đời, cho dù ở đâu và bất cứ trong hoàn cảnh nào”.

Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập

Phong trào phụ nữ “Ba đảm đang” được phát động tháng 3/1965 là sản phẩm trí tuệ của tập thể lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam thời kỳ này mà đứng đầu là Hội trưởng Nguyễn Thị Thập.

Phong trào trở thành một trong những biểu tượng cao đẹp nhất của phong trào thi đua yêu nước, biểu tượng của lòng yêu nước nồng nàn và chủ nghĩa anh hùng Cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Ảnh hưởng của phong trào còn lan rộng ra cả nước ngoài. Trong đó, Cu Ba tổ chức học tập, 6 vạn phụ nữ cùng 1 lúc đăng ký thực hiện “Ba đảm đang”. Phụ nữ châu Phi, châu Mỹ Latinh đều hướng về Việt Nam để học tập…

Trên cương vị là Chủ tịch Hội, đồng thời là đại biểu Quốc hội, bà Nguyễn Thị Thập luôn dành nhiều thời gian tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ để kiến nghị với Đảng, Nhà nước đề ra những chính sách bảo vệ quyền lợi thiết thực cho phụ nữ và trẻ em.

Cụ thể, bà đã tham mưu cho Đảng và trực tiếp tham gia xây dựng Luật Hôn nhân gia đình đầu tiên của Việt Nam với nhiều điểm mới quan trọng, phù hợp với đạo đức xã hội chủ nghĩa. Bà Thập có vai trò tham mưu cho Đảng và Nhà nước lần đầu tiên trong lịch sử cho ra đời 3 Nghị quyết về công tác phụ vận.

Qua đó quán triệt công tác cán bộ nữ, lao động nữ trong các cấp ủy Đảng và cơ quan nhà nước, tạo điều kiện và cơ hội cho phụ nữ vươn lên, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp Cách mạng vĩ đại của dân tộc và sự nghiệp giải phóng phụ nữ, từng bước thực hiện mục tiêu nam-nữ bình đẳng.

Với tầm nhìn chiến lược, nhiều sáng kiến về công tác tổ chức cán bộ cùng sự quan tâm sát sao chỉ đạo của bà đã góp phần quan trọng vào xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở.

“Nữ lãnh đạo giản dị, trí tuệ”

Gần 20 năm là người đứng đầu tổ chức Hội, bà Nguyễn Thị Thập luôn toát lên phong thái của một nhà lãnh đạo xuất sắc với khả năng tổ chức và tập hợp quần chúng cực kỳ mạnh mẽ. Bà luôn giản dị mà đầy trí tuệ; phong thái ung dung nhưng hành động thì quyết liệt, sâu sát.

Thông qua Hội, người phụ nữ được bảo vệ, vai trò của phụ nữ được phát huy toàn diện và mạnh mẽ. Những đóng góp này mang tính lâu dài không chỉ trong Cách mạng giải phóng dân tộc mà còn trong Cách mạng XHCN về vấn đề bình quyền, giải phóng phụ nữ và vai trò của người phụ nữ trong tiến trình lịch sử dân tộc.

Có thể nói, thời kỳ 1954-1974, mặc dù trong hoàn cảnh chiến tranh nhưng đây cũng là thời kỳ mà sự nghiệp giải phóng phụ nữ và thực hiện nam-nữ bình đẳng đạt được kết quả to lớn, trong đó có nỗ lực không mệt mỏi của Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập.

“Mẹ tôi từng viết rằng: “Chiến tranh đã cướp đi của tôi 3 người yêu quý nhất đời”. Tôi đọc từng dòng mẹ viết mà xúc động, tự dặn mình rằng, mẹ đã hi sinh quá nhiều cho đất nước, cho dân tộc thì mình cũng phải tiếp bước mẹ”, bà Lê Ngọc Thu, con gái Cố Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thập.

Nguồn: https://phunuvietnam.vn