Theo quan niệm của đồng bào các DTTS của tỉnh Kon Tum thì mọi việc trong gia đình là do người phụ nữ quyết định, nhưng việc của làng thì lại phải do người đàn ông đảm nhận. Thế nhưng, từ năm 2014, khi già làng cũ về với tổ tiên, dân làng Đăk Mế, xã Bờ Y, huyện biên giới Ngọc Hồi đã phá vỡ tục lệ này, bầu một người phụ nữ làm già làng đó là bà Y Pan.

q1

Già làng Y Pan với những tấm bằng khen, giấy khen được các cấp trao tặng

Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà nhỏ nhắn, sạch sẽ, ngăn nắp với đầy những tấm bằng khen, giấy khen được treo ngay ngắn, trang trọng trên tường dành tặng cho những cống hiến của bà đối với dân tộc Brâu và làng Đăk Mế.

Từ đứa trẻ mồ côi…

Bà nhanh nhẹn và trẻ hơn tuổi rất nhiều không ai nghĩ cuộc đời bà đã gắn bó với 88 mùa rẫy. Qua câu chuyện với bà, chúng tôi mới biết bà  mồ côi cả cha và mẹ năm lên 4 tuổi, được một đơn vị cách mạng nuôi dưỡng. Lớn lên trong cái nôi đặc biệt ấy, thế nên, từ nhỏ Y Pan đã đi theo cách mạng, làm rất nhiều việc như liên lạc, canh gác cho các cuộc hội họp; gùi gạo,đưa công văn, thuốc men, nấu cơm phục vụ bộ đội…Đến năm 1959, Y Pan tập kết ra Bắc, học làm y tá, khi đó bà một trong những người hiếm hoi được học cao nhất làng. Rồi đến năm 1974, Y Pan lại trở về nam phục vụ cuộc kháng chiến tại chiến trường Tây Nguyên. Sau nhiều năm công tác, đến năm 1990 khi được nghỉ hưu, bà Y Pan trở về làng cũ sống.
Bà Y Pan nhớ lại: Làng Đăk Mế bấy giờ đứng trước nhiều thách thức, đói nghèo, lạc hậu, mù chữ, hôn nhân cận huyết, dân số bị giảm sút nghiêm trọng. Trước thực trạng ấy, mình lo lắm,  nghĩ phải làm việc một “cuộc cách mạng” cho làng mới được. Vậy là mình tham gia trong Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, cán bộ Mặt trận thôn…quanh năm, suốt tháng đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà để tuyên truyền về những tác  hại của hôn nhân cận huyết thống; vận động người dân thực hiện nếp sống mới, ăn ở vệ sinh, ăn chín, uống sôi…; rồi vận động bà con bảo tồn và phát huy những phong tục đặc sắc, tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu; khuyên nhủ bà con không nghe lời xúi dục xằng bậy của kẻ xấu, nhắc nhở mọi người gìn sự đoàn kết trong làng, hòa hợp các dân tộc cộng cư xung quanh…
Đặc biệt, mình luôn trăn trở làm thế nào để giúp bà con biết cái chữ bởi chỉ khi có cái chữ bà con mới hiểu được các chủ trương, đường lối của Đảng; mới biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để xoá cái đói, nghèo đang bủa vây lấy dân làng; mới nhận thức được những vấn đề tốt xấu để biết chắt lọc, giữ gìn…Mình đã kiến nghị lên các cấp, các ngành, rồi cùng với bộ đội biên phòng vận động bà con đi học xoá mù, vừa làm phụ giảng, vừa làm phiên dịch cho các giáo viên.
Để bà con tin tưởng, bà Y Pan tự làm trước mọi việc để nêu gương, từ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa đến những nơi công cộng của làng; nghe nhà nào có người bệnh thì lập tức mang thuốc men đến cứu giúp, không để bà con cúng bái như trước; truyền dạy nghề dệt truyền thống cho thanh niên. Chính vì thế mà bà Y Pan rất được dân làng nể phục, tin yêu.
Đến Thủ lĩnh của làng
Theo quan niệm của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và người Brâu nói riêng, mọi việc trong gia đình đều do người phụ nữ quyết định, nhưng việc của làng thì lại do những người đàn ông đảm nhận. Già làng phải là người đàn ông có sức mạnh, minh mẫn, uy tín, kiến thức uyên thâm để điều hành việc làng theo luật tục và bảo vệ được thôn làng trước thế giới bên ngoài. Thế nhưng, từ năm 2014, khi già làng cũ về với tổ tiên, dân làng Đăk Mế đã phá vỡ tục lệ này, bầu một người phụ nữ làm già làng đó là bà Y Pan.
Bà Y Pan giãi bày: “Nói thật, từ bé tới nay, mình đâu thấy ai là phụ nữ làm già làng đâu, ngôi vị này phải dành cho cánh đàn ông. Lúc đầu, khi dân làng bầu, mình không dám nhận bởi sợ mình không đảm đương nổi. Thế nhưng, dân làng vẫn nhất quyết bầu mình vào vị trí này”.
Được dân làng tin tưởng giao cho vị trí cao nhất trong làng bà Y Pan lo lắng lắm,  bà tự nhủ thôi thì mình cứ cố gắng hết sức, mang hết tâm huyết và vốn kiến thức bao năm mình có được để lo cho dân làng. Điều trước hết là phải vận động bà con tích cực lao động, đưa các giống mới, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao đời sống;  nhất là giải quyết hài hòa, thấu tình đạt lý khi nảy sinh mâu thuẫn, tranh chấp trong làng; vận động bà con luôn đề cao cảnh giác, tuyệt đối tin vào đường lối lãnh đạo mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn; chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh biên giới; bảo ban lũ con cháu chịu khó tới trường học chữ…
Không biết từ bao giờ,  bà trở thành chỗ dựa tin cậy của người dân miền biên giới này, có bất cứ việc gì khó, bà con cũng tìm đến già làng Y Pan để được giải đáp khúc mắc. Từ chuyện xích mích gia đình, đến chuyện sinh nở, rồi chuyện làm kinh tế… ai ai cũng tìm đến để được bà tư vấn. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ tuyên truyền, vận động hay nhắc nhở dân làng việc gì cũng tìm đến già để làm cầu nối.
Với tâm huyết và những việc mà bà Y Pan đã làm cho dân làng cùng với sự vươn lên của bà con trong thôn, Đăk Mế hôm nay đã có sự đổi thay rõ nét. Làng có trên 200 hộ, chủ yếu là người dân tộc Brâu với gần 450 khẩu; cả làng giờ đã có 3 hộ sản xuất kinh doanh giỏi, các gia đình đã biết trồng các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao như cà phê, bời lời, cao su, làm lúa nước… Từ chỗ cả làng không biết chữ, đến nay, con em các gia đình trong làng đều được đến trường đầy đủ, có em đang theo học Cao đẳng, học nghề ở các trường chuyên nghiệp…
Không chỉ giỏi việc làng, bà Y Pan còn là người phụ nữ đảm đang, tháo vát, giỏi quán xuyến trong gia đình. Chồng mất sớm, một mình bà nuôi 5 người con trưởng thành, các con bà hiện đều là những người làm kinh tế giỏi.
Với dân làng Đăk Mế, già làng Y Pan là niềm tự hào, là chỗ dựa tinh thần để phấn đấu, để tiếp tục đoàn kết, cùng nhau xây đời sống ấm no, thôn làng giàu đẹp và bảo vệ vững chắc phên dậu biên cương của Tổ quốc nơi ngã ba biên giới./.
Bài, ảnh: A Lê Khăm
Nguồn:http://www.kontum.gov.vn-HT