Vừa gặp ở Khu du lịch sinh thái Thác Pa Sĩ,  thoắt cái, chị đã có mặt ở  vườn ươm của HTX Rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen.Không che mặt cũng chẳng găng tay, chị bảo cái nắng cái gió ở đây đã quen rồi, thêm “ mặn mòi”chứ xá gì đâu. Vào tuổi  60 tuổi , còn nhanh nhẹn, xốc vác như chị, đâu phải  ai cũng được cái may mắn ấy. Gắn  bó với  hoa, với rau, thấy người lúc nào cũng trẻ. Chị cười hồn hậu.   s

Chị Sợi chăm chút từng nhành hoa, chậu bông, Ảnh: Thanh Như

Quê ở gốc xã Phú Vĩnh, huyện Tân Châu, tỉnh An Giang, nhà nghèo, nên chưa biết mấy lăm chữ, chị Trần Thị Sợi đã phải nghỉ học giữa chừng, đi làm thuê làm mướn, phụ giúp gia đình. Vùng quê đất màu mỡ, trồng rau trồng hoa thành nghề chính của nhiều gia đình. Siêng năng, chịu khó, lại khéo léo, nên chị  Sợi chuyên đi trồng và chăm sóc rau, hoa cho các chủ vườn, hết nơi này đến vùng khác. Lâu dần, tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng rau, trồng hoa; nhưng chị vẫn không khỏi băn khoăn, vì tuổi càng ngày càng cao,  nhọc nhằn mãi mà vẫn chưa tìm nổi mảnh vườn của riêng mình. Phần vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, lại thêm đặc thù đất đai ở vùng rau hoa rất đắt đỏ, nên mong ước của chị, trải qua bao lần, cứ vuột tầm tay.

Long đong “mần công”, một lần, tình cờ, chị Trần Thị Sợi nghe nói vùng đất mới Măng Đen ở Kon Tum đang thu hút lao động đến trồng rau hoa xứ lạnh. Chị mừng lắm, tìm hiểu kỹ càng thông tin rồi đăng ký vào danh sách tình nguyện lên  đấy  lập nghiệp. Không quản xa xôi, đầu năm 2012, chị lên Măng Đen để “ làm quen”, song  lúc đó, khu vực  quy hoạch dự án rau hoa xứ lạnh chưa hoàn thiện điều kiện hạ tầng, nên chị phải mất công mấy lần đi đi về về để nghe ngóng. Đến lúc khu dân cư mới ở làng Tu Rằng  được đầu tư cơ bản hoàn thiện đường xá, bố trí đất đai, có nước, điện, chị cùng con trai đến ở hẳn và bắt tay vào sản xuất.

Không chỉ trồng ít rau, hoa trên diện tích đất ở khu dân cư mới Tu Rằng, chị Sợi còn nhận hợp đồng làm quản lý chính cho Hợp tác xã Rau hoa xứ lạnh thanh niên Măng Đen.Nhiệt tình, tâm huyết, bao nhiêu kinh nghiệm tích lũy đã được chị tập trung gây dựng, phát triển HTX. Ban đầu, thử nghiệm chủ yếu với một số loại hoa bình thường như Đồng Tiền, Thược Dược,  Hồng, Cúc.., sau mạnh dạn đưa vào các loại hoa “ đẳng cấp và “khó tính” như  Ly Ly, Lan Hồ Điệp, Tuy lip…Đó là cả quá trình  vất vả, gian nan, song vô cùng có ý nghĩa với người phụ nữ nặng tình với đất với hoa Măng Đen.

Cùng với nỗ lực ổn định và đi lên của HTX Thanh niên, gần 5 năm qua, dấu ấn  ghi nhận ở vùng rau  hoa xứ lạnh Măng Đen là sự định hình và ngày càng phát triển hơn 20 loài hoa  khoe sắc, đua hương.  Từ các loại hoa dân dã, bình dị, “truyền thống” như Mào Gà, Xác Pháo, Vạn Thọ, Cúc, Hồng… đến các loại hoa  mới, “ quý tộc” và nhập ngoại như Phú Quý, Cát Tường, Tử La Lan, Hoài Hương, Cẩm Tú Cầu , hoa Anh Thảo, Mai Địa Lan,  Ngọc Thảo, Thu Hải Đường, Dạ Yến Thảo… Tất cả góp phần làm nên hương sắc, thương hiệu “Hoa Măng Đen”.

Từ năm 2013 đến nay, chủng loại và số lượng hoa của HTX Rau hoa xứ lạnh  Thanh niên Măng Đen không ngừng gia tăng. Mỗi dịp tết, HTX đã trồng và tiêu thụ hàng trăm ngàn cây hoa Ly ly, chậu Phong lan, cây Cẩm chướng, Lay ơn, Tuy lip, Cát tường, Phú quý và các loại hoa khác. Trải nghiệm thực tế sản xuất, đáng kể là, loại hoa nào chị Sợi cũng nắm rất rõ xuất xứ, hình dáng, màu sắc, mùi hương, đặc biệt là đặc tính quá trình sinh trưởng, cách thức chăm bón…

Nghề trồng hoa  không chỉ đòi hỏi  sự công phu, tỷ mỉ, mà còn phải gửi hồn vào đó mới có thể cho ra đời những thành phẩm đẹp tươi như ý. Chị Sợi chia sẻ, mỗi loài có một đặc tính, bí quyết trồng và chăm sóc riêng. Như “cô nàng” Ly ly “khó tính” nhất, phải “xử lý” thật khéo ngay từ  lúc mới xuống giống, ra  mầm, đến từng giai đoạn trong quá trình phát triển của hoa.

Từ chủ yếu trồng hoa lấy cành, nhánh đến phát triển đa dạng các loại hoa, nhất là phát triển mạnh hình thức hoa trồng trong chậu được người tiêu dùng và thị trường rất ưa chuộng, bước phát triển này của hoa Măng Đen có  công lao không nhỏ của  người nữ quản lý HTX rau hoa xứ lạnh Thanh niên Măng Đen.

 Sau một thời gian gắn bó, đóng góp cho sự phát triển của rau, hoa xứ lạnh Kon Plong, điều chị Sợi vui mừng, phấn khởi nhất hiện giờ là đã được UBND huyện Kon Plông cấp quyền sử dụng 2 ha đất  trong khu quy hoạch vùng rau hoa xứ lạnh Măng Đen. Ý nguyện ứng dụng công nghệ cao vào phát triển rau, hoa xứ lạnh, mà trước hết là ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống hoa Tử La Lan (Hoa Chuông) của chị Sợi , được sự  quan tâm phối hợp của cơ quan quản lý nhà nước và nhà khoa học đang được triển khai, hứa hẹn mở ra hướng đi mới trong việc giải quyết khâu cung ứng giống hoa ở vùng khí hậu đặc thù Măng Đen trong thời gian tới.

Hơn 60 tuổi đời, đã có thể trông cậy vào hai cậu con trai hiếu thảo, nhưng chị Trần Thị Sợi vẫn chưa chịu nghỉ ngơi. Như cái duyên tiền định, chị đã đến và ở lại Măng Đen trong mối giao hòa với đất với hoa thiêng liêng, kỳ diệu. Chúc cho ước mong ấp ủ về một vườn hoa nhỏ, trồng chỉ để cho du khách tham quan, chụp hình, ngắm cảnh của người phụ nữ nặng tình với đất với hoa, không xa nữa, sẽ thành hiện thực, tại chính nơi này./.

CTV Thanh Như-HT