Từ chỗ chỉ thu hút, tập hợp được khoảng 50% số phụ nữ vào tổ chức hội, những năm gần đây, Chi hội Phụ nữ thôn Kon Chênh, xã Măng Cành (huyện Kon Plông) đã nâng tỉ lệ này lên 85%. Một trong những cách làm của chi hội phụ nữ nơi đây là đổi mới hình thức sinh hoạt, gắn lợi ích thiết thực của phụ nữ thông qua các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế.

Được tham gia buổi sinh hoạt của Tổ tiết kiệm vốn vay của phụ nữ thôn Kon Chênh, chúng tôi nhận thấy có khá nhiều điều bất ngờ về chị em phụ nữ nơi đây. Từ cán bộ chi hội ở cơ sở cho đến hội viên, đều tự tin trong giao tiếp; nhiều chị còn mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp để Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản đạt hiệu quả cao hay nêu lên nguyện vọng của chính bản thân mình với mong muốn được các chị em trong Tổ chia sẻ, giúp đỡ.

Chị Y The – Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vốn vay thôn Kon Chênh cho biết: Mô hình được thành lập từ năm 2015 với 19 thành viên tham gia. Hình thức hoạt động của mô hình được xem như một ngân hàng tại chỗ, do thành viên tự đóng góp tiền (mỗi tháng tiết kiệm 20.000 đồng/thành viên) để cho các thành viên gặp khó khăn vay với lãi suất thấp (tiền lãi vay do nhóm quy định nhưng không cao hơn lãi suất ngân hàng nông nghiệp). Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, Tổ đã thực hiện tiết kiệm được 20 triệu đồng, giúp cho hàng chục chị vay vốn phát triển kinh tế gia đình.

Mô hình nuôi heo của chị Y Lúp được hỗ trợ từ Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản

Mô hình nuôi heo của chị Y Lúp được hỗ trợ từ Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản. Ảnh: T.Q

Chị Y Lúp – thành viên của Tổ cho biết, trước đây chị rất ngại giao tiếp nên không muốn gia nhập vào tổ chức hội. Sau khi được vận động gia nhập vào Tổ tiết kiệm vốn vay, được sự động viên của chị em trong Tổ, dần dần chị đã mạnh dạn chia sẻ mong muốn, nguyện vọng của bản thân để được tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ phát triển kinh tế gia đình. Mới đây, gia đình chị đã được Tổ hỗ trợ vay 2,5 triệu đồng đầu tư mua 2 con heo giống về nuôi; kết hợp với hướng dẫn làm chuồng trại, cách thức chăn nuôi. Đến nay, 2 con heo giống đã sắp đến kỳ sinh sản.

Ngoài chăn nuôi, chị Y Lúp còn được chị em trong Tổ vận động vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư trồng cà phê xóa đói giảm nghèo bền vững. Đến nay, gia đình chị đã phát triển được 2.000 gốc cà phê. Hy vọng đến cuối năm 2016, gia đình chị  Lúp sẽ thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo.

Tham gia vào mô hình do chi hội phụ nữ thành lập nhận thấy có nhiều lợi ích: được giao lưu, được giúp đỡ nên giờ đây chị Y Lúp đã trở thành một trong những hội viên tích cực của Chi hội Phụ nữ Kon Chênh.

Để gắn kết tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong hội viên, phụ nữ trong chi hội, các thành viên trong Tổ tiết kiệm vốn vay thôn Kon Chênh còn đóng góp thêm nguồn quỹ xã hội để thăm hỏi thành viên lúc ốm đau, hoạn nạn với mức đóng góp 2.000 đồng/thành viên/tháng.

Được quan tâm giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần nên mỗi tháng tổ chức sinh hoạt tổ hay sinh hoạt chi hội phụ nữ, các thành viên Tổ tiết kiệm vốn vay luôn có mặt rất đầy đủ, đóng góp ý kiến rất sôi nổi.

Một buổi sinh hoạt của thành viên Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản thôn Kon Chênh, xã Măng Cành

Một buổi sinh hoạt của thành viên Tổ tiết kiệm vốn vay thôn bản thôn Kon Chênh, xã Măng Cành. Ảnh: T.Q

Để thu hút, tập hợp phụ nữ vào tổ chức hội, Chi hội Phụ nữ thôn Kon Chênh cũng đã thành lập thêm được 3 mô hình hỗ trợ phụ nữ theo nhu cầu, nguyện vọng của chị em như mô hình hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc (thu hút 25 thành viên tham gia), mô hình hướng dẫn chị em phụ nữ sử dụng phân chuồng trong trồng trọt (thu hút 20 hội viên phụ nữ tham gia), mô hình tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh giảm nghèo bền vững (thu hút 8 hội viên phụ nữ tham gia).

Chị Y Né – Chi hội trưởng phụ nữ thôn Kon Chênh nhớ lại, trước đây, để vận động chị em phụ nữ tham gia vào hội, sinh hoạt hội ở cơ sở rất khó khăn; bởi trình độ, nhận thức nhiều chị em còn thấp nên rất ngại giao tiếp, họp hành; nhiều chị em hiểu biết thì lại đặt câu hỏi “tham gia vào tổ chức hội sẽ được giúp đỡ, hỗ trợ gì?”. Trước thực trạng thu hút phụ nữ vào tổ chức hội khó khăn, chi hội đã thay đổi phương thức hoạt động, hướng các hoạt động về cơ sở; đồng thời đề xuất với Hội Phụ nữ xã hỗ trợ thành lập các mô hình hỗ trợ phụ nữ, tạo động lực để đoàn kết, tập hợp hội viên.

Từ chỗ đáp ứng được nhu cầu của hội viên, phụ nữ, chị em tham gia vào hội ngày một gia tăng và sinh hoạt hội đầy đủ hơn. Điển hình như với mô hình tiết kiệm vốn vay, chỉ sau hơn 1 năm đi vào hoạt động, đã tăng thêm 6 thành viên tham gia; mô hình tổ phụ nữ liên kết trồng cà phê xứ lạnh tăng 2 thành viên tham gia. Nhiều chị em trước đây không mặn mà với việc sinh hoạt hội phụ nữ nay đã tham gia đầy đủ, nâng tổng số phụ nữ trong thôn tham gia vào vào tổ chức hội lên 85%.

Chị Y Ró – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Măng Cành cho biết, 2 nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng tỷ lệ thu hút phụ nữ vào tổ chức hội trên địa bàn được Hội Phụ nữ xã xác định là tập trung đổi mới nội dung phương thức hoạt động chi hội cơ sở và triển khai xây dựng các mô hình làm sao có thể gắn kết lợi ích cho hội viên. Hiện nay, Hội Phụ nữ xã đang nhân rộng cách làm và các mô hình đã thí điểm hiệu quả tại các chi hội đến các chi hội còn lại trên địa bàn, góp phần nâng tỉ lệ thu hút, tập hợp phụ nữ vào tổ chức Hội.

Nguồn: www.baokontum.com.vn-HT