Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Glei đã chủ động triển khai các phong trào hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp nhằm phát huy thế mạnh, sở trường của hội viên, tạo cơ hội để phụ nữ vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, làm giàu chính đáng, góp phần giảm nghèo trên địa bàn.

Chúng tôi có dịp đến thăm Tổ hợp tác phụ nữ trồng sâm dây tại xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei. Dẫn tôi ra thăm vườn sâm của gia đình mình, chị Y Ngọc (32 tuổi) – thành viên của Tổ hợp tác chia sẻ, năm 2019, được cán bộ hội phụ nữ các cấp vận động, tuyên truyền, hỗ trợ cây giống và kỹ thuật, gia đình chị tận dụng đất đồi hoang hóa, bỏ công sức cải tạo đất và xuống giống cây sâm dây. Nhờ trồng và chăm sóc theo đúng hướng kỹ thuật mà chị đã được hướng dẫn nên hầu hết cây tỷ lệ sống cao, phát triển tốt. Đến nay, hơn 3 sào sâm dây của gia đình chị Y Ngọc bước đầu cho thu nhập ổn định, trung bình trên 15 triệu đồng/đợt thu, giúp gia đình chị có thêm kinh phí trang trải cuộc sống. Chị dự định sẽ dùng tiền bán sâm thu được để đầu tư mở rộng diện tích trồng sâm trên đất đồi còn bỏ trống. Nếu thấy hiệu quả, chị sẽ vay thêm vốn từ NHCSXH để mở rộng diện tích.

Chị Y Nguống- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Plô cho biết: Mô hình trồng sâm dây trên địa bàn xã Đăk Plô được thực hiện từ năm 2018, đến nay đã có 40 hội viên tham gia. Qua thực tế triển khai thực hiện, vườn sâm của các hội viên đều phát triển tươi tốt, bước đầu nhiều mô hình cho thu nhập ổn định, giúp chị em yên tâm sản xuất. Ngoài hỗ trợ chị em trong khâu sản xuất, Hội LHPN xã Đăk Plô còn chú trọng làm đầu mối kết nối để tiêu thụ các sản phẩm cho hội viên; phối hợp, vận động hội viên tham gia học nghề, tập huấn nâng kỹ thuật trong sản xuất; tạo cho các hội viên tinh thần và ý chí khởi nghiệp, kinh doanh để gặt hái thành công, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân và gia đình.
161122Chị Y Ngọc (phải) bên vườn sâm dây tươi tốt

Chị Y Ngọc (phải) bên vườn sâm dây tươi tốt. Ảnh: H.T

Trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Mây- Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Glei cho biết: Triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 939/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Hội LHPN huyện tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên nâng cao nhận thức về khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp. Các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tổ chức phù hợp với điều kiện, đặc thù của từng địa phương cơ sở, qua đó tạo sức lan tỏa, thu hút sự quan tâm của đông đảo cán bộ, hội viên, phụ nữ.

Với tinh thần trên, Hội LHPN huyện chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho phụ nữ gắn với giới thiệu, tạo việc làm. Đến nay, đã mở được 10 lớp tập huấn về lập kế hoạch và viết ý tưởng kinh doanh; kỹ thuật trồng, chăm sóc sâm dây, cà phê, lúa và nuôi heo lai cho 353 hội viên tham dự; tạo điều kiện cho 17 cán bộ Hội phụ nữ các cấp tham gia các lớp tập huấn về khởi nghiệp, lập kế hoạch kinh doanh do Trung ương và địa phương tổ chức.

Cùng với việc đào tạo, tập huấn kiến thức, Hội LHPN huyện Đăk Glei đẩy mạnh việc vận động hội viên, phụ nữ tham gia các mô hình, tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế (với 98,6% là phụ nữ DTTS). Qua đó, các cấp Hội LHPN trên địa bàn huyện tăng cường hỗ trợ về vốn cho các hội viên, tín chấp trên 5,6 tỷ đồng vốn vay từ NHCSXH cho 251 hộ vay đầu tư mở rộng diện tích. Hiện tại trên địa bàn huyện nhân rộng 19 mô hình tại 8 xã, thị trấn với trên 400 thành viên với tổng kinh phí trên 1,72 tỷ đồng. Nhiều mô hình đã phát huy hiệu quả, cho kết quả bước đầu như: đã tiến hành luân chuyển giống sâm của 46 hộ được hỗ trợ đợt 1 cho 37 hộ mới trên địa bàn 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh; mô hình nuôi heo đen xã Đăk Long đã nhân rộng thêm 2 thành viên mới; Tổ liên kết phụ nữ DTTS nuôi bò sinh sản xã Đăk Long phát triển được 2 con bê; tổ liên kết phụ nữ nuôi heo lai xã Đăk Nhoong không chỉ xuất heo thịt mà còn có thể tự nhân giống heo, nhiều mô hình, tổ hợp tác, tổ liên kết trồng sâm dây đã bước đầu có thu nhập ổn định.

Bên cạnh đó, Hội LHPN huyện Đăk Glei tích cực tham gia các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương. Nhiều sản phẩm được quảng bá và tham gia dự thi tại các triển lãm lớn nhỏ như: Sản phẩm Mứt sâm dây Ngọc Linh đạt 3 sao trong cuộc thi sản phẩm OCOP cấp tỉnh; ý tưởng sản xuất Mộc trà sâm dây đạt giải xuất sắc trong cuộc thi tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp của Hội LHPN tỉnh Kon Tum tổ chức năm 2020. Với những kết quả đạt được trong những năm qua, Hội LHPN huyện Đăk Glei vinh dự đựơc nhận bằng khen trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” giai đoạn 2015- 2020 của Trưởng ban Dân vận Trung ương.

Bà Phạm Thị Mây cho biết: “Các mô hình, tổ hợp tác phát triển kinh tế Hội LHPN huyện Đăk Glei triển khai trong thời gian qua không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho chị em hội viên phụ nữ, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, mà còn giúp tập hợp, thu hút quần chúng vào tổ chức Hội phụ nữ, thể hiện tinh thần đoàn kết, sẻ chia lẫn nhau, chị em thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Thời gian tới, Hội LHPN huyện sẽ tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những khó khăn để tiếp tục hỗ trợ và triển khai thực hiện có hiệu quả các mô hình tổ hợp tác; tăng cường nhân rộng, kết nối và tiêu thụ sản phẩm, tạo  điều kiện tốt nhất cho hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả”.

Hoàng Thanh. Nguồn: http://baokontum.com.vn-MT