Hiện nay, tỉnh Kon Tum gần 100.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (trong diện thu hút tham gia tổ chức Hội), trong đó: phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm khoảng 52%. Đời sống của hội viên, phụ nữ nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều chị em phụ nữ dân tộc thiểu số còn tự ti, an phận, chưa có ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo.

Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã tập trung chỉ đạo và tăng cường triển khai các hoạt động cùng với các giải pháp phù hợp với điều kiện, đặc thù công tác Hội và tình hình hội viên, phụ nữ của địa phương.

Theo đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, chú trọng đối tượng hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về khởi nghiệp; vai trò, trách nhiệm của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế của địa phương; đưa chỉ tiêu về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể và giúp phụ nữ thoát nghèo bền vững thành tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở để triển khai các hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả.

thom

Hội LHPN tỉnh hỗ trợ vốn cho phụ nữ DTTS khởi nghiệp

Để tạo nguồn hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp, Hội LHPN tỉnh đã kết nối, phối hợp với Trung ương Hội và các tổ chức, nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng để hiện thực hóa 12 ý tưởng khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số; kết nối với doanh nghiệp ngoài tỉnh ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho 05 tổ hợp tác/tổ liên kết do phụ nữ dân tộc thiểu số thành lập. Các cấp Hội đã phối hợp với các tổ chức tín dụng giải ngân cho hơn 30 nghìn lượt hội viên, phụ nữ với tổng số vốn vay trên 1.000 tỷ đồng từ nguồn tín dụng chính sách xã hội; gần 1 ngàn hộ vay trên 20 tỷ đồng theo Nghị định 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ thành lập 30 mô hình phát triển kinh tế tập thể với hơn 1.000 hội viên, phụ nữ DTTS tham gia tại các huyện/thành phố hoạt động hiệu quả, nổi bật như: Các tổ hợp tác/tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng hồng đảng sâm của huyện ĐăkGlei, Tu Mơ Rông; tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng cà phê xứ lạnh và thu mua nông sản xã Măng Cành, huyện Kon Plông; tổ hợp tác phụ nữ DTTS nuôi heo sọc dưa tại xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi…

liên-3

Hội LHPN tỉnh hỗ trợ phụ nữ DTTS thành lập các mô hình kinh tế tập thể

Bên cạnh những kết quả đạt được, các cấp Hội vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp do đời sống của một số bộ phận hội viên, phụ nữ DTTS, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn, phương thức và quy mô sản xuất, kinh doanh còn lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún; một số hội viên, phụ nữ DTTS còn có tư tưởng ỷ lại, trông chờ sự hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn khởi nghiệp để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống… Đồng thời, vẫn còn không ít những rào cản, khó khăn đối với phụ nữ DTTS trên con đường khởi nghiệp do khả năng tiếp cận thông tin về các chương trình, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp; các hoạt động tìm kiếm thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm khởi nghiệp… còn hạn chế. Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ít, quy mô nhỏ… nên chưa tham gia đồng hành cùng phụ nữ DTTS hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Để  công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững tiếp tục đạt được nhiều kết quả, trong thời gian tới, các cấp Hội LHPN tỉnh tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của phụ nữ về chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về khởi nghiệp, phát triển kinh doanh; khích lệ phụ nữ DTTS mạnh dạn tham gia phong trào khởi nghiệp, tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh của phụ nữ DTTS được hiện thực hóa. Chủ động kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư hỗ trợ nguồn lực để thành lập mô hình phát triển kinh tế tập thể; nâng cao năng lực hoạt động cho các HTX do phụ nữ làm chủ; quảng bá và xây dựng thương hiệu cũng như tìm kiếm thị trường ổn định cho các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, biểu dương, tuyên truyền và nhân rộng các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân phụ nữ DTTS làm kinh tế giỏi, khởi nghiệp thành công và thoát nghèo bền vững.

Có thể khẳng định rằng, với các hoạt động hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp của các cấp Hội LHPN tỉnh đã góp phần thúc đẩy, khơi dậy tinh thần, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia phong trào khởi nghiệp, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum bền vững./.

Bài, ảnh: Nguyễn Thị Liên-PL-HT