Phát huy vai trò nòng cốt trong công tác phụ nữ và sự nghiệp bình đẳng giới, trong 10 năm qua, các cấp Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã chủ động phối hợp với Ban VSTBPN các cấp và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu chính quyền cùng cấp xây dựng và triển khai tốt kế hoạch thực hiện chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới đảm bảo các mục tiêu, chỉ tiêu theo từng giai đoạn, sát hợp với đặc thù và điều kiện thực tế của địa phương, cơ sở.

Với chức năng và nhiệm vụ được giao, các cấp Hội đã tổ chức hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa dạng cho hội viên phụ nữ các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới… Đồng thời, thông qua việc thực hiện các chương trình, đề án, các cấp Hội đã tăng cường công tác phối hợp với các sở, ngành, lực lượng để lồng ghép triển khai công tác tuyên truyền về bình đẳng giới tại cơ sở.

Phần thi tiểu phẩm Hãy cho con được đến trường của đội Kon Plông

Tiểu phẩm tham gia Hội thi gia đình hạnh phúc năm 2017. Ảnh: Tư liệu

Tham gia quản lý nhà nước về bình đẳng giới và giám sát việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới, các cấp Hội đã chủ trì hoặc phối hợp tham gia các hoạt động kiểm tra, giám sát, các tổ tư vấn, các Hội đồng, Ban chỉ đạo… của các cấp, các ngành và địa phương liên quan đến việc thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ, trẻ em.

Các cấp Hội đã chủ động tham mưu cho cấp ủy về công tác cán bộ nữ, giới thiệu cán bộ nữ đủ điều kiện, tiêu chuẩn tạo nguồn quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp; phối hợp với các ban, ngành chức năng triển khai các hoạt động nhằm góp phần tăng tỷ lệ nữ đại biểu tham gia Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp; tập huấn cho hàng ngàn lượt nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp…

Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, các cấp Hội đã đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo bền vững, như: Đưa chỉ tiêu giúp hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững thành một tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm trong hệ thống Hội; thường xuyên rà soát đối tượng hội viên, phụ nữ nghèo, nhất là phụ nữ nghèo làm chủ hộ để xây dựng kế hoạch hỗ trợ, giúp đỡ vay vốn ưu đãi từ nguồn tín dụng chính sách, hướng dẫn chị em sử dụng vốn đúng mục đích gắn với nâng cao ý thức thực hành tiết kiệm…

Đến nay, các cấp Hội đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như các tổ hợp tác/tổ liên kết trồng chanh dây, chăn nuôi gia súc tại Thành phố Kon Tum; nuôi bò sinh sản tại Đăk Tô; trồng chuối, nấm tại Sa Thầy, Đăk Hà, Ngọc Hồi; trồng sâm dây tại Tu Mơ Rông và Đăk Glei; trồng cà phê xứ lạnh tại Kon PLông…; Qua đó, giúp 9.800 hộ phụ nữ nghèo sử dụng vốn vay có hiệu quả, trong đó có hơn 2.269 hộ phụ nữ thoát nghèo, tạo cơ sở cho nhiều chị em phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên làm giàu chính đáng.

Hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, thông qua thực hiện Đề án 704 về “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” và Nghị quyết Liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”, các cấp Hội đã hỗ trợ cho hơn 50.891 bà mẹ và 2.000 ông bố, gần 4.000 trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức và kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không,3 sạch” trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hàng năm 100% cơ sở Hội đăng ký với UBND cùng cấp thực hiện mô hình giúp “5 hộ trong 1 xã” đạt 8 tiêu chí “5 không, 3 sạch”. Đến nay, đã có 32.164/55.005 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí CVĐ; xây dựng và nhân rộng được các mô hình, câu lạc bộ về xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” hoạt động có hiệu quả.

Thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật, các cấp Hội đã xây dựng được 190 địa chỉ tin cậy, 04 mô hình “Nói không với bạo lực gia đình”/40 thành viên, 05 CLB “Phòng, chống bạo lực gia đình”/256 thành viên, 01 CLB “Phổ biến và tư vấn pháp luật lưu động cho HVPN và cộng đồng dân cư”/197 thành viên; tham gia giải quyết 268 đơn khiếu nại và hòa giải hơn 333 vụ liên quan bạo lực gia đình, quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, tranh chấp đất đai, mâu thuẫn cộng đồng; tham gia phát hiện 03 trường hợp phụ nữ, trẻ em có nguy cơ bị buôn bán và giúp đỡ những chị em phụ nữ bị buôn bán khi trở lại tái hòa nhập cộng đồng.

Trong 10 năm qua, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ, tạo điều kiện của chính quyền và phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, các cấp Hội đã đạt được những kết quả tích cực trong công tác bình đẳng giới. Qua đó, đã góp phần tạo chuyển biến nhận thức về giới, bình đẳng giới trong cán bộ, hội viên, phụ nữ; các địa phương, đơn vị, các cấp, các ngành đã bước đầu lồng ghép yếu tố giới trong các chương trình, kế hoạch hoạt động, tạo điều kiện cho giới nữ thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản, có thêm cơ hội làm việc, tiến bộ và phát huy vai trò trong phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương; vị thế của tổ chức Hội các cấp và của phụ nữ trong xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao.

Nguyễn Thị Liên- Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum-PL-HT