Thời gian qua, do nhu cầu thu mua của các thương lái, nhiều hộ ĐBDTTS vùng núi Ngọc Linh, Mường Hoong của huyện Đăk Glei đã bắt đầu trồng, phát triển sâm cây đương quy trên địa bàn. Mặc dù diện tích còn nhỏ lẻ, nhưng bước đầu đã giúp cho bà con có nguồn thu nhập, trang trải cuộc sống.

samduongquy01

Diện tích sâm đương quy ở xã Ngọc Linh đang trong thời kỳ trổ bông

Năm 2015, gia đình chị Y Nun ở thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh bắt đầu trồng xen thêm cây đương quy trên 02 sào cà phê. Với giá bán 50.000 đồng đến 60.000 đồng/kg củ tươi, chị cũng đủ tiền để mua sắm các nhu yếu phẩm hàng ngày cho gia đình.

Chị Y Nun nói: Cây đương quy trước đây gia đình có trồng nhưng ít, sau này do có nhiều người hỏi mua nên gia đình mình mới trồng thêm nhiều. Sau này nếu nhu cầu mua nhiều nữa thì gia đình mình sẽ trồng nhiều hơn. Loại cây này cũng dễ trồng, trồng xen được nên đỡ tốn đất và công chăm sóc lại mang lại hiệu quả kinh tế khá.
Không riêng hộ chị Y Nun, do nhu cầu thu mua ngày càng nhiều, hiện nay đa số các hộ dân trên địa bàn xã Ngọc Linh đều đã tự chủ động nhân giống, trồng, có nguồn thu nhập. Đến nay, toàn xã đã phát triển được trên 45 ha cây đương quy.
Anh A Hiêng – Cán bộ Văn phòng xã Ngọc Linh cho biết: Đương quy cũng là một loại dược liệu quý, trước đây do giá trị kinh tế của nó còn thấp, người thu mua chưa nhiều nên bà con trồng cũng ít. Trong những năm gần đây, giá trị của cây đương quy cao, có nhiều người thu mua nên bà con đã chú trọng đến nhân rộng diện tích và kể cả mô hình cho cây đương quy.
samduongquy02
Củ sâm đương quy được bà con xã Ngọc Linh thu hoạch
Riêng tại xã Mường Hoong, năm 2006, bà con mới bắt đầu dần dần trồng trở lại. Thống kê sơ bộ, diện tích cây đương quy toàn xã hiện có khoảng 38ha. Từ hiệu quả giúp bà con có nguồn thu nhập, từ nay đến năm 2020, chính quyền xã sẽ tiếp tục định hướng phát triển thêm 10 – 15ha diện tích cây đương quy. “Trong thời gian tới, xã đã có kế hoạch triển khai Đề án phát triển sâm đương quy trên địa bàn cùng với một số diện tích cây chủ lực khác của xã nhằm mang lại thu nhập cho bà con, giúp bà con ổn định cuộc sống” – Ông A Ban,  Phó Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết.
Hiện nay, cây đương quy chỉ mới đang được bà con trồng tự phát tại 02 xã Ngọc Linh và Mường Hoong. Từ nhu cầu thị trường, huyện Đăk Glei đã có chủ trương hướng dẫn bà con chuyển đổi trồng các cây dược liệu đối với các xã phía bắc, trong đó có cây sâm đương quy.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Đăk Glei nói:“Về phát triển về cây dược liệu, huyện quy hoạch sang năm 2017 sẽ triển khai, trong đó có phát triển cây đương quy. Còn về đầu ra của sản phẩm thì huyện sẽ nghiên cứu thị trường và tiếp cận một số các doanh nghiệp để tìm nguồn cung ổn định, lâu dài. Hi vọng đây sẽ là hướng đi mới giúp bà con nơi đây sớm thoát nghèo, vươn lên làm giàu./.  
Nguồn: www.kontum.gov.vn-HT