Rau không trồng trên đất, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học, được tưới bằng hệ thống bơm nước mạch ngầm và phun sương tự động. Đó là mô hình trồng rau ăn lá theo phương pháp thủy canh hồi lưu của gia đình chị Nguyễn Thị Hiệp ở khối phố 1, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy.

Trước vấn nạn thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi, người tiêu dùng ngày càng có xu hướng đi tìm những nguồn thực phẩm an toàn để sử dụng, chị Hiệp đã nảy ra ý định trồng rau an toàn để cung cấp nguồn rau sạch cho những người có nhu cầu. Nhưng ngặt nỗi nhà chị không có đất vườn, nên ý định của chị mãi chưa thể thực hiện được.

Chị mày mò lên mạng và thấy trên các trang web có giới thiệu rất nhiều mô hình trồng rau thuỷ canh vừa không tốn diện tích, vừa đảm bảo rau sạch và cho hiệu quả kinh tế cao. Vậy là đầu năm 2016, chị tìm xuống tận Quảng Ngãi để tham quan, học tập mô hình trồng rau thủy canh, rồi đặt hàng cơ sở cung cấp hệ thống trồng rau không cần đất và thuê họ lên Sa Thầy lắp đặt.

20170423153806rau được trồng thành từng tầng

Rau được trồng thành từng tầng. Ảnh: H.N

Chị Hiệp cho biết: Trồng rau thuỷ canh đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu khá lớn, với diện tích chưa đầy 300m2, tôi đã phải bỏ ra gần 300 triệu đồng để mua hệ thống ống rau, lắp mái che, làm hệ thống phun sương, bơm tưới… Sau gần 8 tháng trời thi công tôi mới hoàn thiện được hệ thống rau trồng thuỷ canh, đến cuối năm 2016 tôi tiến hành trồng rau. Tuy nhiên, điều làm tôi lo lắng nhất chính bởi phương pháp trồng rau này hoàn toàn mới mẻ, chưa ai trên địa bàn huyện có kinh nghiệm để học hỏi. Và thực tế, tôi cũng đã gặp trắc trở ngay từ khi làm lứa rau đầu tiên. Nguyên nhân là do ở mình thời tiết nắng nóng, nhiệt độ trong nhà kính rất cao, ống nhựa hấp nhiệt làm nước trong ống rất nóng khiến cho cây rau không lên nổi. Sau đó, tôi đã phải nhờ kỹ sư ở tận Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn dùng giấy bạc quấn quanh toàn bộ các ống nhựa trồng rau để nước trong ống không bị hấp nóng, mua thêm lưới đen che bớt nắng, rồi đặt chế độ bơm nước tự động khi nào nhiệt độ trong nhà lên cao hơn 320C, hệ thống bơm sẽ hoạt động để đẩy nước lưu thông.

Bài bản và chuyên nghiệp là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tới thăm vườn rau thủy canh của gia đình chị  Hiệp. Vườn rau ăn lá với rất nhiều loại: rau muống, cải xanh, cải cay, xà lách… được chia thành từng tầng để tiện chăm sóc và thu hoạch. Có tầng rau đang chờ cắt, có tầng mới xuống cây. Bởi cây rau được trồng trong nhà kính nên không bị các  loại côn trùng gây hại vào phá, vì vậy mà chị Hiệp không sử dụng bất kỳ một loại thuốc bảo vệ thực vật nào nên sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo chị Hiệp, kỹ thuật trồng rau thuỷ canh không khó, ban đầu hạt giống sẽ được ươm trong các ống nhựa có chất hữu cơ là các xơ dừa đã được xử lý nấm bệnh, sau 1 tuần cây con sẽ được đưa ra cấy vào các lỗ đã được đục trên các giàn ống. Bên trong hệ thống đường ống có chứa dịch thủy canh với thành phần phù hợp được pha với nước, trong đó hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu bệnh, nước được bơm từ bể chứa lên đi theo đường ống để cung cấp chất dinh dưỡng cho rau phát triển; sau đó quay về bể chứa thành một vòng tuần hoàn khép kín. Hệ thống này được thiết kế bơm tưới tự động, nên từ khi trồng rau cho đến khi thu hoạch sẽ không phải tưới nước. Để hạn chế bớt nhiệt độ trong nhà, đảm bảo độ ẩm thường xuyên cần phải lắp thêm hệ thống phun sương tự động.

Phương pháp thủy canh giúp cây phát triển tương đối tốt, độ đồng đều cao, tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Đồng thời, cây phát triển nhanh hơn so với trồng ngoài đất, thời gian thu hoạch nhanh. Bằng cách xuống giống xen kẽ, ngày nào vườn rau thủy canh cũng có rau sạch xuất đi tiêu thụ, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 50kg rau sạch các loại với giá bán chỉ 15.000 đồng/kg.

Chị Hiệp chia sẻ: Giá rau này chỉ ngang bằng với giá rau trên thị trường. Với mức giá này em lời không đáng kể nhưng nếu bán cao hơn thì sẽ rất khó tiêu thụ. Thế nên, em nghĩ thôi thì mình chịu khó lấy công làm lời, nhưng sức khoẻ mình đảm bảo, người dân có rau sạch dùng. Vả lại, trồng rau thuỷ canh không mất nhiều công, công đoạn làm nhiều nhất là ươm hạt giống và lúc đưa ra giàn chứ còn bình thường đâu có phải chăm bón gì nên em vừa trồng rau vừa có thể tranh thủ làm được việc khác nữa.

20170423153847Khách hàng tham quan mô hình rau thuỷ canh của nhà chị Hiệp

Khách hàng tham quan mô hình rau thuỷ canh của nhà chị Hiệp. Ảnh: H.N

Là khách hàng thường xuyên từ khi có nguồn rau thuỷ canh, chị Tạ Thị Diệu (khối phố 2, thị trấn Sa Thầy) phấn khởi kể: Mỗi lần đi chợ, mua rau là tôi luôn lo lắng rau còn chất kích thích; khi mua về chưa kịp dùng để khoảng 1-2 ngày đã bị thối rữa. Từ ngày dùng rau thuỷ canh này, tôi yên tâm lắm, rau xanh nhưng không mướt mát, để cả tuần cũng không sao. Giá không đắt, rau lại ngon nên chẳng tội gì mình không mua.

Rau sạch, nhưng mô hình rau thuỷ canh của nhà chị Hiệp còn khá mới mẻ nên số lượng người dân biết đến chưa nhiều. Mặt khác, chị chỉ biết bán rau theo cách treo biển ngoài cổng chứ chưa xây dựng được cửa hàng hay liên kết với các tiểu thương hay cơ sở bán rau an toàn để đưa rau thuỷ canh tiêu thụ rộng rãi trên thị trường.

Trước thực trạng người dân ngày càng đổ xô đi tìm rau sạch cho bữa ăn của từng gia đình, mô hình trồng rau thủy canh cung cấp rau sạch, đảm bảo về chất lượng của gia đình chị Hiệp sẽ mở hướng đi mới cho nhiều nông dân. Đặc biệt, với những hộ gia đình có diện tích đất không nhiều nhưng vẫn muốn trồng rau kinh doanh thì đây là giải pháp thích hợp để có nguồn rau sạch cung ứng cho thị trường.

Hương Nga

Nguồn:baokontum.com.vn-HT