Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa ở thế kỉ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”…

anh-hai

Cờ chiến thắng trên nóc hầm Đờ Caxtơri
Tướng Nava đã tập trung mọi cố gắng để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương. Tổng số binh lực ở tập đoàn này vào lúc cao nhất là 16.200 người, gồm có 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh; 3 tiểu đoàn pháo binh; 1 tiểu đoàn công binh; 1 đại đội tăng M24; 1 đại đội vận tải; 1 phi đội 12 máy bay thường trực được bố trí thành 3 phân khu; 49 cứ điểm tổ chức thành các cụm cứ điểm đề kháng có khả năng phòng ngự mạnh. Các tướng lĩnh, chính khách Pháp đã đến tận nơi để kiểm tra và đều thống nhất đánh giá tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phù là một “pháo đài khổng lồ không thể công phá”.
Ta huy động lực lượng tham gia chiến dịch gồm có 4 đại đoàn bộ binh (308, 316, 312, 304); 1 đại đoàn công pháo 351; các tiểu đoàn công binh, các đơn vị thông tin, vận tải, quân y… Tổng số quân khoảng 55.000 người. Dân công hỏa tuyến gồm 260.000 người, với trên 11 triệu ngày công. Phương tiện vận chuyển gồm 628 ôtô, 11.800 thuyền, hơn 20 ngàn xe đạp thồ và hàng ngàn phương tiện vận chuyển thô sơ khác. Hàng chục ngàn tấn vũ khí đạn dược, 27.000 tấn gạo, hơn 1.800 tấn thịt đã được chuyển ra mặt trận… Cả hậu phương đã dốc sức người, sức của và tinh thần cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
Trong khi quân và dân ta đã hoàn tất việc chuẩn bị và sẵn sàng nổ súng, thì quân Pháp vẫn chủ quan thiển cận cho rằng quân ta không còn khả năng tiến công. Ngày 13-3-1954, quân ta được lệnh nổ súng tấn công vào tập đoàn Điện Biên Phủ, mở đầu chiến dịch. Chiến dịch Điện Biên Phủ được diễn ra thành 3 đợt: đợt 1, bắt đầu từ ngày 13-3; đợt 2, bắt đầu từ ngày 30-3; đợt 3, bắt đầu từ ngày 01-5 và đến ngày 07-5-1954 thì kết thúc. Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch đánh công kiên có tính chất trận địa, quy mô rất lớn, gồm một loạt trận chiến đấu công kiên, tiếp diễn trong thời gian khá dài, tập trung ưu thế binh lực tiêu diệt địch từng bộ phận, tiến tới tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ – một “pháo đài khổng lồ không thể công phá” của quân đội thực dân Pháp, đã bị tiêu diệt trong vòng chưa đầy 2 tháng. Tướng Đờ Caxtơri và toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng. Lá cờ quyết thắng của quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy địch; ở các cứ điểm còn lại xung quanh, binh lính và sĩ quan của địch lũ lượt giương cờ trắng ra hàng. Trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ ta đã toàn thắng.
Ở Điện Biên Phủ, tổng số quân địch bị diệt và bị bắt sống là 16.200 tên; 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù; 3 tiểu đoàn pháo binh, súng cối; 10 đại đội ngụy và các đơn vị công binh, xe tăng, xe vận tải, không quân.. Tổng số sĩ quan, hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt sống là 1.766 tên, trong đó có thiếu tướng Đờ Caxtơri, 10 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan, 57 máy bay bị bắn rơi và phá hủy tại mặt trận. Quân ta thu toàn bộ vũ khí, kho tàng, cơ sở vật chất kĩ thuật của chúng ở Điện Biên Phủ.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc cuộc tiến công chiến lược Đông-Xuân 1953-1954 của quân và dân Việt Nam, đánh bại kế hoạch quân sự Nava, làm sụp đổ niềm hi vọng của các giới quân sự và chính trị ở Pháp. Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ “đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, hay một Đống Đa ở thế kỉ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc” (Lê Duẩn). Chiến thắng Điện Biên Phủ là tiếng chuông báo tử của chủ nghĩa thực dân, là niềm hi vọng lớn lao và tươi sáng, ngọn cờ cổ vũ các dân tộc thuộc địa trên thế giới đứng lên đấu tranh mạnh mẽ để thủ tiêu chế độ thực dân, giành lại quyền độc lập, tự do.
Chiến thắng Điện Biên Phủ đã làm xoay chuyển cục diện chiến tranh ở Việt Nam, tạo cơ sở thuận lợi cho Đảng, Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trong cuộc đấu tranh ngoại giao thắng lợi ở Giơnevơ. Trải qua 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp, ngày 21-7-1954, các hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia lần lượt được ký kết. Bản tuyên bố cuối cùng về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương đã được đại diện các nước dự Hội nghị chấp thuận cam kết chính thức.
Việc ký kết Hiệp định Giơnevơ đã đánh dấu thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp trên đất nước ta, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, đưa cách mạng Việt Nam chuyển sang một giai đoạn mới – giai đoạn xây dựng miền Bắc theo con đường xã hội chủ nghĩa và tiến hành cách mạng giải phóng dân tộc ở miền Nam, hoàn thành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Nguồn: tuyengiaokontum.org.vn