Ngày 07-11-1917, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, quyết đoán của lãnh tụ V.I.Lê-nin và Đảng Bôn-sê-vích, cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga nổ ra và nhanh chóng giành được thắng lợi. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử nhân loại – thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản (CNTB) lên chủ nghĩa xã hội (CNXH) trên phạm vi toàn thế giới. Thành công của Cách mạng Tháng Mười Nga đã ảnh hưởng to lớn và sâu sắc đến phong trào cách mạng trên thế giới nói chung và cách mạng Việt Nam nói riêng.

cach mang thang 10 nga

V.I.Lênin với Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại – Nguồn: sggp.org.vn

Khi nói về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Mười, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Giống như mặt trời chói lọi, Cách mạng Tháng Mười chiếu sáng khắp năm châu, thức tỉnh hàng triệu, hàng triệu người bị áp bức, bóc lột trên trái đất. Trong lịch sử loài người chưa từng cuộc cách mạng nào có ý nghĩa to lớn và sâu xa như thế… Cách mạng Tháng Mười mở ra con đường giải phóng cho các dân tộc và cả loài người”(1).

Từ giữa cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp xâm lược nước ta, nhân dân ta liên tiếp đứng lên đánh đuổi bọn cướp nước, tiêu biểu như phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo… nhưng tất cả đều bị dìm trong biển máu. Sự thất bại của phong trào yêu nước, chống thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đã chứng tỏ, con đường cứu nước theo hệ tư tưởng phong kiến và hệ tư tưởng tư sản đã bế tắc vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc. Cách mạng Việt Nam lâm vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc về đường lối, về giai cấp lãnh đạo. Nhiệm vụ lịch sử đặt ra là phải tìm một con đường cách mạng mới, một giai cấp có đủ tư cách đại biểu cho quyền lợi của dân tộc, của nhân dân, có đủ uy tín và năng lực để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc dân chủ đi đến thành công.

Trong bối cảnh lịch sử đó, ngày 05-6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. Vấn đề lớn mà Nguyễn Ái Quốc luôn quan tâm và tìm lời giải đáp trong quá trình tìm đường cứu nước chính là vấn đề giải phóng dân tộc ở Việt Nam. Cụ thể là cách mạng ở Việt Nam sẽ phải đi theo con đường nào, làm thế nào để giành lại độc lập, bình đẳng cho dân tộc Việt Nam? Trong thời gian bôn ba khắp thế giới, đặc biệt là những năm tháng sống ở Mỹ, Anh, Pháp,… Người đã tìm hiểu, nghiên cứu cách mạng Mỹ năm 1776, cách mạng Pháp năm 1789. Song, Người nhận ra rằng, những cuộc cách mạng ấy là “những cuộc cách mạng chưa đến nơi”, nghĩa là cách mạng rồi mà nhân dân lao động ở đó vẫn chưa được giải phóng, vẫn còn bị áp bức, bóc lột và rất cực khổ. Vì vậy, sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi mọi áp bức, bóc lột không thể đi theo con đường của những cuộc cách mạng đó, mà phải theo con đường khác.

Sau 10 năm bôn ba tìm đường cứu nước, tháng 7-1920, Nguyễn Ái Quốc tiếp cận Sơ thảo lần thứ nhất những Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lê-nin. Đây là một trong những văn kiện được V.I. Lê-nin viết xong vào tháng 6, 7 năm 1920 để trình bày tại Đại hội II Quốc tế Cộng sản, họp từ 19-7 đến 07-8-1920; ngay sau đó, bản Luận cương này đã được đăng trên tạp chí Quốc tế cộng sản số 11, ngày 14-7-1920; và trên báo Nhân đạo (L’Humanité) – cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Pháp, số ra ngày 16 và 17-7-1920. Luận cương của V.I. Lê-nin nêu lên 5 tư tưởng chiến lược: Một là, đặt vấn đề dân tộc đi đôi với vấn đề thuộc địa. Theo V.I. Lê-nin, quyền tự quyết của các dân tộc bao gồm quyền tự quyết của các dân tộc thuộc địa phải đi đến công nhận, thực hiện quyền độc lập tự chủ chứ không phải chỉ có tự trị văn hoá. Quyền độc lập tự chủ này không phải riêng cho các dân tộc da trắng, mà cho tất cả các dân tộc thuộc mọi màu da. Hai là, chỉ rõ trách nhiệm trọng đại của các Đảng Cộng sản ở các nước đế quốc là phải ủng hộ, giúp đỡ một cách tích cực nhất đối với phong trào giải phóng của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc. Ba là, khẳng định các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc không những có nhiệm vụ giải phóng khỏi ách thống trị của nước ngoài, mà còn phải đấu tranh chống lại các lực lượng phản động ở ngay trong nước mình, những lực lượng đó thường là đồng minh của đế quốc thực dân. Bốn là, đề ra một nhiệm vụ lớn của cách mạng thế giới – sự đoàn kết chặt chẽ giữa phong trào giải phóng các dân tộc thuộc địa bị áp bức với các nước đã làm cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công. Cuối bản Luận cương, V.I. Lê-nin còn nêu rõ: để chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản, bảo đảm cho các dân tộc giành lại được độc lập, thì phải thực hiện sự liên minh, thống nhất của giai cấp vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Người khẳng định, “Không có sự cố gắng tự nguyện tiến tới sự liên minh và sự thống nhất của giai cấp vô sản, rồi sau nữa, của toàn thể quần chúng cần lao thuộc tất cả các nước và các dân tộc trên toàn thế giới, thì không thể chiến thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản được”(2). Năm là, Quốc tế III đóng vai trò bộ tham mưu chung của cách mạng thế giới. Nước Nga Xô viết là ngọn cờ đầu, là căn cứ địa, là thành trì của cách mạng thế giới.

Luận cương đã vạch ra đường lối cơ bản cho phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, giải đáp cho Người về con đường giành độc lập dân tộc và tự do cho dân tộc và nhân dân Việt Nam mà Người đang kỳ công tìm kiếm. Về sau, Người kể lại: “Bản Luận cương làm cho tôi cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi xúc động đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ, đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta” và “Từ đó, tôi đã có một sự lựa chọn: tán thành Quốc tế thứ ba và hoàn toàn tin theo Lê-nin”(3). Chính Người đã viết thư bằng tiếng Pháp gửi Quốc tế Cộng sản, cho biết, Luận cương này có ảnh hưởng rất lớn đến sự hình thành thế giới quan và giúp Người dứt khoát đi theo Quốc tế III. Người đánh giá cao và có những nhận xét rất sâu sắc, toàn diện về Cách mạng Tháng Mười Nga: “Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mệnh Nga là đã thành công, và thành công đến nơi, nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc tự do, bình đẳng thật, không phải tự do và bình đẳng giả dối như đế quốc chủ nghĩa Pháp khoe khoang bên An Nam. Cách mệnh Nga đã đuổi được vua, tư bản, địa chủ rồi, lại ra sức cho công, nông các nước và dân bị áp bức các thuộc địa làm cách mệnh để đập đổ tất cả đế quốc chủ nghĩa và tư bản trong thế giới”(4). Từ đó, Nguyễn Ái Quốc đi đến chân lý về con đường giải phóng của Việt Nam, Người khẳng định rằng, muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản.

Từ chủ nghĩa yêu nước, Nguyễn Ái Quốc đến với Cách mạng Tháng Mười, đến với chủ nghĩa Mác – Lê-nin là sự chuyển biến quan trọng trong tư tưởng cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chính ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười, ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã được Nguyễn Ái Quốc tiếp thu và truyền bá vào Việt Nam giúp cho các nhà cách mạng Việt Nam yêu nước thấy được con đường giải phóng dân tộc, luôn hướng tới mục tiêu, lý tưởng của Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xô viết và thấu triệt, kiên định lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Người viết: “Tiếng sấm cách mạng ấy thúc đẩy những người Việt Nam yêu nước hướng về phía Liên Xô, hấp thụ lý luận vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tích cực tham gia cuộc đấu tranh cách mạng do các đảng cộng sản Pháp và Trung Quốc tiến hành và bắt đầu truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Việt Nam. Ngọn đuốc lý luận Mác – Lê-nin và kinh nghiệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại soi sáng con đường cách mạng Việt Nam”(5). Có thể nói, không có Cách mạng Tháng Mười thì Cách mạng Việt Nam vẫn trong tình trạng khủng hoảng, vẫn còn trong “tình hình đen tối không có đường ra”. Điều đó “tựa như người đi đường đang khát mà có nước uống, đang đói mà có cơm ăn”.

Cách mạng Tháng Mười không chỉ là ngọn đuốc sáng soi đường mà còn để lại cho cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý: bài học về xây dựng Đảng Cộng sản là đội tiền phong của giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm nền tảng, kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng; bài học về xây dựng khối liên minh giai cấp công nhân và giai cấp nông dân do giai cấp công nhân lãnh đạo là lực lượng chính của cách mạng; bài học về xây dựng nhà nước kiểu mới, mọi quyền lực thuộc về nhân dân, bảo đảm tự do, bình đẳng, hạnh phúc cho nhân dân; bài học về chính sách đại đoàn kết dân tộc, trên nền tảng liên minh công nông, tôn trọng quyền tự quyết dân tộc; bài học về xây dựng lực lượng vũ trang công nông do Đảng lãnh đạo, làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc và bảo vệ chính quyền cách mạng; bài học về phương pháp cách mạng bạo lực của quần chúng và khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền, khởi nghĩa vũ trang phải có thời cơ cách mạng chín muồi…

Tuy nhiên, theo Nguyễn Ái Quốc vấn đề then chốt và trước hết của cách mạng Việt Nam là phải có Đảng Cộng sản lãnh đạo. Được trang bị bởi lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin và kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga, phong trào cách mạng Việt Nam dâng lên mạnh mẽ. Công nhân đấu tranh liên tục, từ đấu tranh kinh tế đến đấu tranh chính trị; từ đấu tranh tự phát tiến tới đấu tranh tự giác. Trong thời gian ngắn, ba tổ chức cộng sản ra đời, đưa phong trào cách mạng nước ta lên một bước mới. Tuy nhiên, sự phân tán về tổ chức dẫn đến không thống nhất về tư tưởng và hành động. Trước tình hình đó, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã thống nhất các tổ chức cộng sản thành một đảng duy nhất. Sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lê-nin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước dẫn đến thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Sự ra đời của Đảng là kết quả của sự vận động, phát triển cách mạng trong hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại được mở ra từ Cách mạng Tháng Mười Nga. Lần đầu tiên sau gần 70 năm dưới ách đô hộ của chủ nghĩa thực dân, đế quốc, dân tộc Việt Nam có một đảng theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin lãnh đạo, chuẩn bị cho những thắng lợi và những bước nhảy vọt trong lịch sử dân tộc. Đồng chí Trường Chinh đã khẳng định: Chúng ta không được quên rằng, việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã chịu ảnh hưởng sâu xa của Cách mạng Tháng Mười(6).

Nhờ vận dụng sáng tạo kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga và lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng nước ta đã vượt qua nhiều khó khăn, liên tục giành được những thắng lợi to lớn: Cách mạng Tháng Tám (năm 1945) mở ra kỷ nguyên mới cho đất nước – kỷ nguyên độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội; tiếp đến là cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược, viết nên bản hùng ca Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”; “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, làm nên khúc tráng ca khải hoàn Đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CNXH và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả với nước bạn Lào và Cam-pu-chia.

Đối với cách mạng Việt Nam, Cách mạng Tháng Mười là “tiếng sấm báo hiệu mùa xuân”, là mặt trời chói lọi, là “cơm ăn”, “nước uống”. Với lòng biết ơn sâu sắc khi nói về ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười Nga đối với cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Uống nước nhớ nguồn. Càng nhớ lại những ngày tủi nhục mất nước, nhớ lại mỗi bước đường đấu tranh cách mạng đầy hy sinh, gian khổ mà cũng đầy thắng lợi vẻ vang thì giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam càng thấm thía công ơn to lớn của Lê-nin và Cách mạng Tháng Mười”(7).

Sau sự kiện CNXH sụp đổ ở Liên Xô và Đông Âu, các thế lực thù địch đã và đang chống phá quyết liệt, mưu toan phủ nhận mọi thành quả Cách mạng Tháng Mười Nga và cơ sở tư tưởng của cuộc cách mạng vĩ đại, đó là chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Chúng cho rằng, Cách mạng Tháng Mười Nga chỉ có ý nghĩa, giá trị thuần túy Nga; qua đó, phủ nhận tính tất yếu và biện chứng của Cách mạng Tháng Mười Nga cũng như của cách mạng xã hội chủ nghĩa nói chung, đồng thời đi tới phủ nhận tính khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin. Tuy nhiên, sự thật lịch sử không thể phủ nhận được là Cách mạng Tháng Mười đã trở thành một sự kiện bước ngoặt của sự phát triển xã hội loài người, mở ra một con đường đúng đắn cho sự nghiệp giải phóng nhân dân lao động khỏi ách áp bức, bóc lột, xây dựng một thế giới mới công bằng, dân chủ, văn minh và tiến bộ. Đó là việc biến ý tưởng tốt đẹp của CNXH từ không tưởng thành hiện thực. Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã hiện thực hóa những quan điểm tư tưởng của CNXH khoa học, là một bước tiến lớn trong sự phát triển tư tưởng của loài người nên đã thực sự thu hút, hấp dẫn hàng triệu người đi theo ánh sáng tư tưởng của cuộc cách mạng và tham gia đấu tranh trực tiếp hoặc gián tiếp cho độc lập, tự do của dân tộc mình. Vì vậy, những âm mưu, thủ đoạn chống phá CNXH của các thế lực thù địch trong nhiều thập kỷ qua càng làm nổi bật tầm vóc, ý nghĩa và giá trị thời đại sâu sắc của cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại.

Nhận thức sâu sắc những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau các sự kiện chính trị xảy ra ở Liên Xô và các nước Đông Âu, Đảng ta đã kiên quyết khắc phục những sai lầm, thiếu sót trong quá trình xây dựng CNXH ở Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện, đồng bộ đất nước. Nguyên tắc chỉ đạo sự nghiệp đổi mới được Đảng ta luôn quán triệt là: Đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vì độc lập dân tộc, vì CNXH; trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng không dao động, bi quan, đổi hướng, thay đổi mục tiêu, con đường đã chọn. Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, tiềm lực và quy mô nền kinh tế tăng lên. Đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế được tăng cường và mở rộng, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao. Những thành tựu to lớn và có ý nghĩa đó là minh chứng cho con đường mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và toàn thể dân tộc ta đã lựa chọn. Đây cũng là cơ sở để khẳng định Cách mạng Tháng Mười luôn là ngọn đuốc soi sáng con đường chúng ta đi tới mục tiêu cao cả: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

—————————————————–

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2006, t. 15, tr. 387 – 388
(2) V.I. Lê-nin: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, t. 41, tr. 206
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 584
(4) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 2, tr. 304
(5) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 12, tr. 30
(6) Xem: Trường Chinh: Cách mạng Tháng Mười và cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1957
(7) Hồ Chí Minh: Sđd, t. 15, tr. 392 – 393

Nguồn: http://www.tuyengiaokontum.org.vn-HT