Hàng quán sử dụng đồ dùng làm bằng giấy, tre nứa; các bà nội trợ xách làn, xách giỏ đi chợ; học sinh mang cặp lồng, ly inox đi mua thực phẩm…, từ những hành động nhỏ, người dân trên địa bàn tỉnh đang góp sức, chung tay vào cuộc chiến “chống rác thải nhựa”.

Hàng quán đi đầu

Khi chúng tôi ghé vào quán cũng là lúc chị Nguyễn Hoa Vũ Oanh – chủ quán chè Nhà On ở đường Đoàn Thị Điểm vừa gọi điện đặt thêm 5.000 ly giấy.

Bán chè online được 4 năm, 2 năm đầu, như bao hộ kinh doanh khác, chị Oanh sử dụng ly nhựa để đựng chè giao cho khách. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, chị Oanh đã chuyển sang sử dụng hoàn toàn bằng ly giấy để an toàn cho người tiêu dùng cũng như hạn chế rác thải nhựa.

“Nhiều loại chè nóng, nếu đựng trong ly nhựa sẽ không tốt cho sức khỏe, hơn thế, ly nhựa rất khó phân hủy, gây ảnh hưởng đến môi trường nên cứ tầm 2-3 tháng tôi lại đặt 5.000 ly giấy về đựng chè. Ly giấy giá thành đắt gấp 3 lần ly nhựa nhưng mình chấp nhận ít lời hơn vì sức khỏe của khách hàng và vì môi trường. Mỗi người một tay, giảm được tí nhựa nào thì giảm” – chị Oanh chia sẻ.

Không chỉ sử dụng ly giấy trong việc kinh doanh chè, 2 năm nay, chị Oanh cũng sử dụng ống hút tre để bán nước ép các loại. Chị Oanh cho biết, khách hàng rất thích ống hút tre. Nhiều người còn để dành tái sử dụng.

Rời tiệm chè của chị Oanh, chúng tôi ghé đến quán cà phê Thiên Lan trên đường Đào Duy Từ. Không gian của quán khá ấm cúng, các vật dụng đều bằng tre, bằng giấy tạo nên sự nhẹ nhàng, gần gũi.

Niềm nở đón khách, chị Nguyễn Thị Linh Nhi – chủ quán cho biết, khi chưa mở quán, qua những lần đi du lịch cũng như tìm hiểu thông tin trên internet biết về chương trình “chống rác thải nhựa”, chị đã suy nghĩ và quyết tâm mở một quán cà phê trong đó sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường. Và ý tưởng đó được chị bắt tay thực hiện. Ngay khi mở quán, chị sử dụng túi đựng đường, hộp, ly đựng cà phê mang về, ống hút đều bằng giấy; muỗng pha cà phê bằng inox, ly đựng nước bằng thủy tinh, rổ đựng đồ bằng tre nứa… Mặc dù giá thành các sản phẩm bằng giấy đắt gấp 3-4 lần so với các sản phẩm bằng nhựa nhưng chị muốn sử dụng để góp sức hạn chế rác thải nhựa, bảo vệ môi trường cũng như truyền tải thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người.

11111111111

Tiệm cà phê Gác Măng Rê sử dụng các túi giấy, hộp giấy, ly giấy…

để đựng bánh, cà phê cho khách mang về. Ảnh: HT

Không chỉ sử dụng các sản phẩm bằng giấy, để tạo hiệu ứng cho khách, chị Nhi còn mua các bình đựng cà phê bằng inox để tặng cho khách hàng. “Sau mỗi lần khách đến uống cà phê, quán sẽ tích điểm, khi có chương trình, quán sẽ tặng cho khách. Tôi khuyến khích khách mang bình inox đi mua thức uống mang về, vì vừa giữ nhiệt, vừa đảm bảo an toàn sức khỏe lại hạn chế được rác thải nhựa ra môi trường. Quán mở được hơn 1 tháng và tôi đã tặng được vài ly inox cho khách hàng thân thiết” – chị Nhi cho hay.

Chị Nhi cho biết, trong thời gian đến, chị sẽ chuyển toàn bộ các túi đựng bằng nilon sang túi giấy. “Chuyển sang túi giấy việc kinh doanh sẽ ít lời hơn so với sử dụng túi nilon. Tuy nhiên, tôi nghĩ, bắt đầu từ những điều nhỏ để làm nên những điều lớn lao. Biết đâu, bắt đầu từ tôi, hành động sẽ lan tỏa, giúp mọi người sử dụng túi giấy, hạn chế phần nào việc sử dụng túi nilon” – chị Nhi bộc bạch.

Quán cà phê Gác Măng Rê ở đường Trần Hưng Đạo cũng là một trong những hàng quán đi đầu trong phong trào chống rác thải nhựa. Bắt đầu đi vào hoạt động, Gác Măng Rê hoàn toàn không sử dụng ống hút nhựa, ly nhựa, muỗng nhựa… mà thay thế vào đó là những sản phẩm được làm bằng giấy như ống giấy, ly giấy, muỗng inox, chai thủy tinh…

Anh Lê Nhật Tiến – Chủ quán cà phê Gác Măng Rê cho biết: Khi xây dựng quán này, chúng tôi mong muốn sản phẩm làm ra hướng đến sức khỏe cho người tiêu dùng. Hơn thế, chúng tôi mong những hành động của quán sẽ lan tỏa, qua đó nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.

Cũng với thông điệp bảo vệ môi trường, 2 tháng nay, quán cà phê Xóm Tôi trên đường Trần Nhân Tông cũng chuyển sang sử dụng ly giấy đựng cà phê. Quán cũng có ý định chuyển sang sử dụng ống hút giấy khi giá thành hạ hơn.

Hiệu ứng lan tỏa

Ngồi nhâm nhi ly cà phê tại quán Gác Măng Rê, anh Đỗ Văn Đại chia sẻ: Sử dụng các sản phẩm bằng giấy tốt, an toàn hơn so với nhựa. Mình biết rằng những sản phẩm làm bằng giấy có giá thành cao hơn so với đồ nhựa, mình chấp nhận giá thành nước uống, thức ăn cao hơn một chút để đảm bảo sức khỏe cho chính mình và góp phần giảm rác thải nhựa ra môi trường.

Một tháng trở lại đây, em Đặng Thế Khang, học sinh lớp 12 trở thành “khách ruột” của quán cà phê Thiên Lan. Không chỉ cùng bạn bè uống tại quán, Khang còn thường xuyên mua thức uống mang về.

“Theo lời khuyên của chị chủ quán, mỗi khi mua đồ uống về, em mang theo bình inox để đựng. Việc làm của quán giúp em ý thức, thay đổi hành động của mình, cùng chung tay làm những việc nhỏ để bảo vệ môi trường” – Khang chia sẻ.

222222222222222

Bình, ly thủy tinh được một số tiệm cà phê ở thành phố Kon Tum sử dụng

để thay thế cho ly nhựa. Ảnh: HT

Quán cà phê sử dụng các sản phẩm từ giấy để bảo vệ môi trường, còn ở chợ, các chị, các mẹ, các em cũng góp phần bảo vệ môi trường bằng cách thay đổi việc dùng túi ni lông qua dùng giỏ – làn để đi chợ.

Anh U Diêm ở xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà) cho biết, ngày trước, vợ chồng anh hầu như không bao giờ xách giỏ đi chợ. Mỗi lần ra chợ, người bán thường bỏ thực phẩm vào túi nilon để anh cầm về. Nay thấy túi nilon gây ô nhiễm môi trường nên anh mua giỏ nhựa, cầm đi chợ. “Giỏ này đựng được nhiều đồ, dùng được lâu. Có giỏ xách, đi mua đồ mình không cần dùng túi nilon để đựng” – anh Diêm cho hay.

Chị Y Dưnh ở phường Lê Lợi (thành phố Kon Tum) cũng tập thói quen xách giỏ đi chợ. “Xách giỏ đi chợ vừa tiện, vừa dễ xách lại đựng được nhiều đồ. Không riêng mình, ở trong làng, mấy chị em cũng xách giỏ đi chợ” – chị Y Dưnh nói.

Nhận thức được tác hại của túi nilon, thay vì đùm đề túi to, túi nhỏ, nhiều người đã bắt đầu xách giỏ đi chợ. Từ hàng quán cho đến các bà nội trợ, người người thay đổi ý thức, cùng góp sức chung tay vì chính mình, vì mọi người và vì môi trường xanh sạch đẹp.

Hoài Tiến. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT