Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam phát động, Hội LHPN các cấp đã phối hợp với cán bộ, chiến sĩ Biên phòng tổ chức nhiều hoạt động hướng về phụ nữ biên giới, đảm bảo thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Bà Y Phương – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, từ các nguồn lực hỗ trợ, trong năm 2023, các cấp Hội đã thành lập 22 mô hình sinh kế với tổng số thành viên là 496 phụ nữ (phụ nữ DTTS chiếm 98,6%) tại 9 xã biên giới, với tổng nguồn vốn hỗ trợ trên 2.932 triệu đồng. Các mô hình đã góp phần tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho chị em và đã có 45 hộ thoát nghèo bền vững.

Năm qua, gia đình chị Y Thim ở thôn Đăk Nớ, xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập mới từ việc chăn nuôi heo. Đầu năm 2023, chị được Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” hỗ trợ tham gia mô hình “Tổ liên kết phụ nữ DTTS nuôi heo lấy thịt”. Tham gia mô hình, chị Y Thim được cán bộ Hội Phụ nữ tuyên truyền, hướng dẫn làm chuồng kiên cố, giữ vệ sinh. Về thức ăn cho heo, chị Y Thim chủ yếu sử dụng các loại rau trong vườn. hiện tại đàn heo đang sinh trưởng tốt, bước đầu tạo thu nhập.

Chương trình Đồng hành cùng phụ nữ biên cương hỗ trợ bò giống cho hội viên phụ nữ nghèo tại xã Đăk Plô, huyện Đăk Glei. Ảnh: VT

Chị Y Thim chia sẻ: Tôi được Chương trình hỗ trợ 5 triệu đồng để tham gia mô hình với lứa đầu tiên là 3 con heo/4 triệu đồng, còn 1 triệu đồng để đầu tư làm chuồng trại. Sau đó, gia đình tôi cố gắng chăm sóc tốt, đàn heo sinh sản và xuất chuồng thu về được 10 triệu đồng. Trong năm 2024, tôi tiếp tục mua thêm 4 con heo giống để phát triển thêm đàn heo, tăng thêm thu nhập.

Mô hình “Tổ liên kết phụ nữ DTTS nuôi heo lấy thịt” tại xã Đăk Nhoong do Hội LHPN tỉnh Đồng Nai hỗ trợ khi triển khai Chương trình  “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”. Hiện tại, mô hình đã được nhân rộng trên địa bàn 5 thôn thuộc xã Đăk Nhoong, thu hút 41 thành viên tham gia với tổng đàn heo trên 200 con.

Không riêng tại xã Đăk Nhoong, trên địa bàn huyện Đăk Glei, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” còn được triển khai tại xã Đăk Plô với mô hình “Tổ liên kết phụ nữ DTTS trồng sâm dây” thu hút 84 thành viên tham gia và hỗ trợ bò giống cho hội viên phụ nữ nghèo. Tại xã Đăk Long, mô hình “Tổ liên kết phụ nữ DTTS nuôi heo đen/heo sọc” được nhân rộng tại 3 thôn, thu hút 20 thành viên tham gia; mô hình “Nuôi bò sinh sản” được duy trì với tổng đàn bò 18 con/9 hộ gia đình; mô hình thí điểm trồng cây ăn trái (cây mít), thu hút 62 hộ tham gia với tổng kinh phí hỗ trợ 45 triệu đồng.

Ở huyện vùng biên Sa Thầy, tại xã Rờ Kơi, mô hình tổ hợp tác trồng mì cao sản với 31 thành viên, sau khi trừ các chi phí đầu tư mỗi thành viên có thu nhập khoảng 18 triệu đồng/vụ/ha. Tại xã Mô Rai, mô hình “Tổ liên kết phụ nữ nuôi bò sinh sản” được nhân rộng trên địa bàn các thôn với 15 hộ gia đình tham gia, tổng giá trị 150 triệu đồng.

Tặng bồn nước inox cho hội viên phụ nữ khó khăn tại các huyện vùng biên. Ảnh: V.T

Tại huyện Ngọc Hồi, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hội phụ nữ các cấp đã xây dựng mô hình “Tổ liên kết phụ nữ DTTS nuôi heo lấy thịt” với 11hộ tham gia, hiện nay các hộ đã tái đàn 2 đợt.

Tại huyện Ia H’Drai, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã  triển khai mô hình Tổ liên kết nuôi bò sinh sản tại xã Ia Đal thu hút 15 thành viên tham gia với tổng đàn bò hiện nay 69 con; triển khai mô hình “Tổ hợp tác nuôi heo rừng” tại xã Ia Dom cho 10 hộ gia đình với tổng đàn heo 73 con.

Thực hiện chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, ngoài việc thành lập các mô hình phát triển kinh tế, hội LHPN các cấp tiếp tục duy trì, nhân rộng hoạt động 6 mô hình và phong trào “Phụ nữ chung tay cùng Bộ đội Biên phòng bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới gắn với bảo vệ tài nguyên môi trường” tại các xã biên giới; thành lập 36 tổ truyền thông cộng đồng tại các xã thuộc địa bàn dự án 8 với 252 thành viên tham gia. Đồng thời tổ chức 36 buổi truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ định kiến giới thu hút hơn 1.800 người dân trên địa bàn tham dự.

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo Hội LHPN các huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei xây dựng 6 nhà tiêu hợp vệ sinh cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại xã Đăk Nhoong (huyện Đăk Glei) và xã Sa Loong (huyện Ngọc Hồi); phối hợp với Hội LHPN Hà Nội trao 20 bồn nước inox cho hội viên, phụ nữ nghèo trên địa bàn xã Đăk Plô (huyện Đăk Glei) và xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) với tổng trị giá 45 triệu đồng; phối hợp với các đơn vị đồng hành trao học bổng cho học sinh nghèo, xây dựng “Mái ấm tình thương”, hỗ trợ các mô hình sinh kế, tặng quà tết cho phụ nữ nghèo, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn với tổng kinh phí trên 650 triệu đồng.

Để Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” mang đến nhiều kết quả thiết thực, thời gian tới, các cấp hội LHPN tiếp tục tăng cường công tác phối hợp, kết nối với các đơn vị đồng hành triển khai các hoạt động tại các xã biên giới, nhằm tạo cơ hội cho hội viên, phụ nữ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; phát huy vai trò, trách nhiệm trong tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới Quốc gia, phát triển kinh tế – xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trên địa bàn biên giới ngày càng vững mạnh.              

Văn Tùng. Nguồn: https://www.baokontum.com.vn/