Với tinh thần đấu tranh đến cùng, quyết sống còn với kẻ địch, thà chết một người để cứu muôn ngàn người, đòi lại quyền sống, quyền tự do, độc lập; với lập trường tư tưởng kiên định vì mục tiêu, lý tưởng mà Đảng Cộng sản đã trang bị, các tù chính trị kiên trung ở Kon Tum đã làm nên cuộc đấu tranh quyết liệt ở Lao ngoài vào sáng ngày 12-12-1931 vang động núi rừng và cuộc đấu tranh tuyệt thực ngày 16-12-1931 tại nhà Lao trong đã làm cho kẻ địch phải lo sợ.

ngục kon tum

Đầu tháng 4-1931, Chi bộ binh (cơ sở đảng  đầu tiên ở Kon Tum, ra đời 25-9-1930) bị địch phát hiện, tiến hành vây ráp, bắt bớ, khủng bố. Các đồng chí đảng viên cốt cán như Lê Hữu Thiềm, Huỳnh Đăng Thơ, Huỳnh Liễu, Nguyễn Cừ…lần lượt bị bắt. Số đảng viên còn lại buộc phải lánh khỏi thị xã Kon Tum để tránh sự khủng bố. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền, vận động vẫn tiếp tục được duy trì và chuyển sang một hình thức mới: tuyên truyền đấu tranh trực diện để chống lại chế độ áp bức, bóc lột hà khắc của thực dân Pháp với tù chính trị ở Kon Tum. Đây cũng là giai đoạn thể hiện cuộc đấu tranh tư tưởng mạnh mẽ nhất, quyết liệt nhất của các tù chính trị ở Ngục Kon Tum; là trường học cách mạng trực tiếp để rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị của các chiến sỹ Cộng sản trước kẻ thù.

Chi bộ binh tan rã, tháng 7-1931, đồng chí Ngô Đức Đệ – người thành lập Chi bộ binh bị địch chuyển ra giam ở Lao ngoài. Ở đây, đồng chí được gặp lại những cán bộ trung, cao cấp của Đảng, từng hoạt động trong các tổ chức tiền thân của Đảng và là lãnh đạo của các tổ chức Đảng ở các tỉnh đồng bằng, bị địch bắt trong cao trào Xô Viết Nghệ tĩnh và đưa lên giam cầm ở Ngục Kon Tum như: Hồ Độ, Trương Quang Trọng, Lê Viết Lương, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung,…. Trước một tập thể đầy bản lĩnh, kiên cường và giàu kinh nghiệm, được sự thông báo của đồng chí Ngô Đức Đệ về tình hình tổ chức Đảng và những đối xử tàn bạo của địch đối với tù nhân ở Kon Tum, các đồng chí thống nhất thành lập Ban phụ trách nhà lao nhằm mục đích tổ chức lực lượng, xây dựng kế hoạch đấu tranh chống lại chính sách cai trị tàn ác của chế độ thực dân, giành lại quyền sống, quyền tự do cho tù chính trị; chống lại âm mưu tiêu diệt Cộng sản của thực dân Pháp.

Sau khi thành lập, Ban phụ trách nhà lao chú trọng đến công tác tuyên truyền vận động; phân công đồng chí Trương Quang Trọng, Nguyễn Huy Lung, Hồ Độ lo xây dựng nội bộ về tư tưởng và tổ chức; đồng chí Ngô Đức Đệ, Đặng Thái Thuyến có nhiệm vụ nghiên cứu kế hoạch đấu tranh và dự thảo các văn kiện trong cuộc đấu tranh như Bản tuyên ngôn của tù chính trị và các yêu sách, các bài nói chuyện với binh lính bằng các thứ tiếng Việt, Pháp và ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng …; đồng chí Ngô Đức Đệ còn làm nhiệm vụ tuyên truyền, vận động binh lính, bắt liên lạc với Lao trong, với các đảng viên Chi bộ binh và cơ sở quần chúng ở thị xã Kon Tum để nắm bắt tình hình khi địch có động thái đưa tù chính trị đi công trường làm đường Đăk Pét lần 2.

Hằng ngày, Ban phụ trách nhà lao đều tổ chức hội ý nội bộ. Mỗi đồng chí được phân công làm việc theo phương thức đơn tuyến (mỗi người chỉ biết phần việc của mình, không được biết đến việc của người khác), phải chủ động thực hiện nhiệm vụ, coi việc giữ bí mật là một nguyên tắc sống còn. Theo kế hoạch đề ra, Ban lãnh đạo tổ chức tiến hành một số nhiệm vụ trước mắt: làm công tác tư tưởng, xây dựng tinh thần đoàn kết nhất trí nội bộ, xây dựng quyết tâm đấu tranh đến cùng với âm mưu, thủ đoạn của địch; tổ chức lễ truy điệu cho các tù nhân đã bỏ mình trên công trường Đăk Pao, Đăk Tao, Đăk Pét trong 6 tháng đầu năm 1931.

Từ tháng 9-1931, Ban phụ trách nhà lao bước đầu tổ chức tập duyệt cho các anh em tù nhân đấu tranh chống lại chính sách cai trị của nhà cầm quyền. Phương châm đấu tranh từ thầm lặng đến công khai, trực diện. Biện pháp đấu tranh theo tổ, nhóm. Tổ chức 3 người thành một nhóm, nếu nhiều nhóm thì tổ chức thành tổ. Tổ trưởng mỗi tổ thường xuyên giữ mối liên lạc với Ban phụ trách nhà lao. Theo phương châm và biện pháp trên, sau khi bàn bạc thống nhất, các anh em tù chính trị đã triển khai đấu tranh chống lại chính sách cai trị của địch bằng một số hình thức đấu tranh thầm lặng như: làm hàng rào chắn ngăn chặn không cho lính đánh đập tù nhân khi sơ ý làm đổ giỏ cát; âm thầm làm trái ý nhằm chống lại lệnh bắt gánh giỏ to đựng nhiều cát, đá; đồng tâm ngừng làm việc, hô hào phản đối mỗi khi có tù nhân bị lính đánh….

Thành công bước đầu trong đợt tập dợt đấu tranh từ thầm lặng đến công khai, trực diện với địch, đã nâng cao được tinh thần đoàn kết và ý chí đấu tranh của anh em tù chính trị. Ban phụ trách nhà lao quyết định tuyên truyền, vận động anh em tiếp tục nâng lên hình thức đấu tranh mới trực diện không khoan nhượng với địch, nhằm giành lại quyền sống, quyền tự do. Để thực hiện quyết tâm trên, tháng 9-1931, Ban phụ trách nhà lao quyết định thành lập hai đội cảm tử và quyết tử tiên phong, bất khuất trong quá trình đấu tranh với bọn cai trị thực dân và tay sai. Tham gia hai đội này là lực lượng trung kiên, tiên phong, tự nguyện và có nhiệm vụ gánh vác mọi khó khăn, gian khổ nhất trong cuộc đấu tranh, sẵn sàng hy sinh vì mục tiêu thắng lợi.

Để chuẩn bị hình thức đấu tranh mới cao hơn và quyết liệt hơn, tháng 10-1931, Ban phụ trách nhà lao thống nhất viết đơn gửi Công sứ Kon Tum đòi nhà cầm quyền thực dân phải sửa đổi chế độ cai trị, thực hiện yêu sách của tù nhân. Nội dung đơn yêu cầu cải thiện chế độ lao dịch; cải thiện chế độ ăn uống của tù nhân; bỏ đánh đập, bắn giết tù nhân; cho viết thư về gia đình và được nhận thư quà của gia đình gửi đến; khi ốm đau được chăm sóc thuốc men. Tuy nhiên, những yêu sách trên của tù chính trị bị nhà cầm quyền bác bỏ, không chấp nhận.

Với tinh thần đấu tranh đến cùng, quyết sống còn với kẻ địch, thà chết một người để cứu muôn ngàn người, đòi lại quyền sống, quyền tự do, độc lập; với lập trường tư tưởng kiên định vì mục tiêu, lý tưởng mà Đảng Cộng sản đã trang bị, các tù chính trị kiên trung ở Kon Tum đã làm nên cuộc đấu tranh quyết liệt ở Lao ngoài vào sáng ngày 12-12-1931 vang động núi rừng và cuộc đấu tranh tuyệt thực ngày 16-12-1931 tại nhà Lao trong đã làm cho kẻ địch phải lo sợ.

Mặc dù bị thực dân Pháp đàn áp dã man ngay từ đầu trong cuộc đấu tranh Lưu huyết, nhưng với niềm tin, lý tưởng cách mạng được trang bị vững vàng, các tù chính trị vẫn không nao núng. Trong thời gian tổ chức đấu tranh tuyệt thực chống lại chế độ cai trị của chính quyền thực dân và tay sai, công tác tuyên truyền vẫn được tiếp tục đẩy mạnh và xem đây là vũ khí sắc bén nhất để đánh vào chế độ cai trị của bọn thực dân, làm thức tỉnh và lay động tình cảm, tư tưởng, nhận thức về điều hay, lẽ phải của hàng ngũ binh lính đang bị bọn thực dân lợi dụng phải cầm súng đánh thuê. Ngày 13-12-1931, Bản tuyên ngôn và Bản yêu sách gửi đến bọn cầm quyền đòi đáp ứng những yêu cầu của tù chính trị và lên án tố cáo tội ác của bọn thực dân. Cũng ngay trong sáng ngày 13-12-1931, từ Nhà lao trong, các anh em tù chính trị tiến hành nói chuyện tuyên truyền, kêu gọi, vận động, thuyết phục binh lính ủng hộ tù chính trị và vạch trần tội ác của chính quyền thực dân. Quá trình nói chuyện, tuyên truyền của tù nhân đã làm lay động hàng ngũ binh lính. Đa số binh lính không còn cản trở quá trình tổ chức tuyên truyền, vận động của các tù nhân, nhiều người có thái độ thiện cảm hơn với tù chính trị.

Thiếu sự lãnh đạo của tổ chức Đảng Cộng sản, việc tuyên truyền gây dựng cơ sở đảng ở Kon Tum vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, các chiến sỹ Cộng sản ở ngục Kon Tum bằng khí tiết, niềm tin, lý tưởng cách mạng đã đấu tranh, cảm hoá hàng ngũ binh lính địch bằng công tác tư tưởng. Với các hình thức tuyên truyền, vận động thông qua các cuộc nói chuyện trực tiếp với các lính gác nhà ngục, các bản tuyên ngôn và yêu sách của tù chính trị,…. Công tác tư tưởng đã góp phần làm chuyển biến tích cực trong nhận thức của hàng ngũ binh lính địch. Tuy cuộc đấu tranh Lưu huyết và cuộc đấu tranh tuyệt thực cuối cùng bị địch đàn áp, song đã mang lại kết quả quan trọng: làm thức tỉnh được hàng ngũ binh lính địch, làm cho chính quyền thực dân phải nhượng bộ từng bước thông qua việc cải tiến chế độ làm việc, quan tâm hơn đến chế độ ăn uống, chăm sóc tù nhân lúc ốm đau, nới lỏng hơn hình thức cai trị hà khắc mà trước đây bọn chúng thường áp dụng. Trước những cuộc đấu tranh liên tục của các tù chính trị, đến năm 1934, thực dân Pháp buộc phải xóa bỏ Nhà lao Kon Tum và đưa các tù nhân ở đây giam giữ ở các nơi khác.

Nguồn: www.tuyengiaokontum.org.vn-HT