Năm 2010, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phát động Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên phạm vi toàn quốc nhằm thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững” góp phần vào việc thực hiện Chỉ thị 49-CT/TW, ngày 21/02/2005 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nội dung cuộc vận động đã được đưa vào Nghị quyết chuyên đề để triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2011-2016. Đây là cuộc vận động lớn có tính toàn diện, ảnh hưởng sâu sắc và tác động mạnh mẽ đến từng gia đình hội viên, phụ nữ, mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân phụ nữ, gia đình và cộng đồng. Thực hiện tốt 8 tiêu chí của cuộc vận động chính là thực hiện tốt phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội, là cơ sở quan trọng nhằm giúp hội viên, phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Trao gi_i Nh_t c_a H_i thi

Hội LHPN tỉnh phối hợp với Hội LHPN huyện Kon Rẫy tổ chức Hội thi Kiến thức cha mẹ, sức khỏe con năm 2014.

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng đó, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã bám sát chỉ đạo, hướng dẫn của Hội cấp trên, hàng năm xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể triển khai một cách đồng bộ, toàn diện và thực hiện các biện pháp đẩy mạnh cuộc vận động “xây dựng gia đì nh 5 không 3 sạch” gồm: 5 không “không đói nghèo; không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3 trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học“; 3 sạch: “sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ” gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đặc biệt là gắn với phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”.

Để nội dung cuộc vận động đi vào đời sống của cán bộ, hội viên, phụ nữ, phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa bàn trong tỉnh. Trước hết Hội đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp về cách thức triển khai, lồng ghép 8 tiêu chí cuộc vận động với các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số, vùng biên giới, vùng sâu vùng xa về mục đích, ý nghĩa, nội dung các tiêu chí của cuộc vận động gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; hướng dẫn phụ nữ và gia đình đăng ký thực hiện các tiêu chí. Công tác tuyên truyền được thực hiện dưới nhiều hình thức trực quan sinh động, sử dụng có hiệu quả tài liệu (sách lật) và các tài liệu truyền thông cuộc vận động do TW Hội LHPN Việt Nam ban hành. Đối với các xã biên giới, Hội đã tích cực phối hợp với các đồn Biên phòng tổ chức các đợt truyền thông tại các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia.

Song song với công tác tuyên truyền, Hội đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan, tranh thủ các nguồn lực và lồng ghép với các chương trình, đề án đang triển khai trong nhiệm kỳ để hỗ trợ cho phụ nữ trong việc thực hiện “5 không, 3 sạch”, xây dựng gia đình hạnh phúc và giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái. Thông qua Đề án 704 về “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” và các chương trình Dự án về “Chăm sóc và phát triển trẻ thơ toàn diện vùng Dân tộc thiểu số” do Plan vùng dự án KonTum hỗ trợ, hợp phần về sức khỏe sinh sản của tổ chức UNFPA, dự án “Năng lực tài chính nhằm giảm thiểu bạo lực gia đình”; Dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững” và các chương trình khác, Hội đã cung cấp, hướng dẫn cho hơn 50.891 bà mẹ và 2000 ông bố, gần 4000 trẻ vị thành niên được tiếp cận các kiến thức và kỹ năng quan trọng trong cuộc sống gia đình. Nhiều mô hình giáo dục gia đình đã được xây dựng và nhân diện rộng như: Phòng chống ma tuý từ trong gia đình, Phụ nữ thực hiện an toàn giao thông, không phá rừng làm rẫy, Phụ nữ không sinh con thứ 3… Nhờ đó, tỷ lệ phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ y tế tăng lên rõ rệt, giảm đáng kể tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng và tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà.

Các hoạt động tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, hôn nhân gia đình, phòng chống mua bán phụ nữ, trẻ em và vấn đề tảo hôn ở trẻ em gái cũng được các cấp Hội triển khai hiệu quả dưới nhiều hình thức; 104 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng đã được thành lập để hỗ trợ, giúp đỡ cho các nạn nhân bị bạo lực gia đình. Công tác Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội được triển khai thực hiện thông qua Nghị quyết Liên tịch số 01 với Công an đã phát huy được hiệu quả. Hội đã phối hợp tổ chức tốt các hoạt động truyền thông về an toàn giao thông, Dân số kế hoạch hóa gia đình, phòng chống tác hại thuốc lá, ứng phó với biến đổi khí hậu…

anh hoat dong 078 (FILEminimizer)

Lễ ra mắt mô hình điểm “Phân loại rác tại nguồn và hạn chế sử dụng túi ni lông” tại phường Quang Trung, thành phố Kon Tum

Thực hiện tiêu chí “3 sạch”, các cấp Hội đã phát huy thế mạnh, vai trò của người phụ nữ. Nhiều mô hình từ trong gia đình và dựa vào cộng đồng như: phân loại rác thải từ trong gia đình, mỗi gia đình có một hố rác, con đường phụ nữ tự quản, tổ phụ nữ thu gom rác thải; không nhốt gia súc dưới gầm nhà sàn và gần nhà ở, sạch vườn rau sạch đồng ruộng, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; phong trào dọn vệ sinh môi trường đường/ngõ xóm theo định kỳ… đã đóng góp đáng kể vào kết quả thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng Nông thôn mới.

 Hàng năm Hội thường xuyên kiểm tra, giám sát, nắm bắt những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện ở cơ sở Hội để hướng dẫn và hỗ trợ kịp thời; tổ chức rà soát kết quả các hộ gia đình thực hiện các tiêu chí tại 100% cơ sở Hội, trên cơ sở đó có các giải pháp hỗ trợ các hộ gia đình chưa đạt và duy trì bền vững các hộ đã đạt 8 tiêu chí. Đặc biệt mô hình “Giúp 5 hộ trong một xã” đã có cách tiếp cận trực tiếp, toàn diện đến từng hộ gia đình. Mỗi năm, mỗi cơ sở Hội chọn 5 hộ chưa đạt 8 tiêu chí đăng ký với UBND xã để thực hiện. Trên cơ sở phân tích những khó khăn và nhu cầu của từng hộ, Hội chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, phối hợp với Chính quyền và các ngành chức năng đưa ra các giải pháp hỗ trợ phù hợp với từng tiêu chí mà hộ chưa đạt, cuối năm có thẩm định đánh giá chất lượng mô hình.

Cùng với hoạt động chăm lo, hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, các cấp Hội đã đẩy mạnh công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện, quan tâm đến những đối tượng gia đình phụ nữ chính sách, người có công, gia đình thương binh liệt sĩ, Mẹ Việt Nam anh hùng, hỗ trợ tân binh lên đường nhập ngũ…Hội đã tiếp nhận và cấp phát kịp thời, đầy đủ 5.300 suất quà hỗ trợ của cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UNWomen) cho phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo làm chủ hộ bị tác động nặng bởi hạn hán năm 2016; tiếp nhận và hỗ trợ 100 con bò giống sinh sản từ Chương trình an sinh xã hội của tỉnh…Thực hiện cuộc vận động xây dựng“Mái ấm tình thương” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp sửa chữa và xây dựng mới nhiều căn nhà cho hơn 100 hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 2 tỷ đồng; trao nhiều suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó; tín chấp hỗ trợ cho phụ nữ nghèo vay vốn, xây dựng và duy trì nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế… Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống “Tương thân tương ái” đồng thời thắt chặt thêm tình đoàn kết trong hội viên phụ nữ.

Từ cách làm hay, sáng tạo, trách nhiệm của các cấp Hội và sự đồng tình ủng hộ hưởng ứng đông đảo của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân. Qua kết quả rà soát cuối nhiệm kỳ đã có 32.164/55.005 hộ đạt 8 tiêu chí của cuộc vận động (chiếm 58,5%). Mặc dù hiệu quả chưa cao, nhưng có thể khẳng định rằng đến cuối nhiệm kỳ 2011-2016, cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên địa bàn tỉnh KonTum đã mang lại hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận góp phần tăng tỷ lệ phụ nữ được khám thai và tiêm phòng trên 95%, tỷ lệ trẻ em được tiêm phòng và uống Vitamin đạt từ 95%-99%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng từ 23,9% giảm xuống còn 23,4%; trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao từ 39,7% giảm xuống còn 39,5%; tỷ lệ tăng dân số từ 1,86% giảm xuống còn 1,48%. Cái tên “5 không, 3 sạch” đã được các cấp, các ngành trong tỉnh biết đến và đánh giá cao, tạo được sự lan tỏa trong đời sống cán bộ, hội viên phụ nữ và cộng đồng; được đưa vào công tác bình xét gia đình văn hóa hàng năm ở thôn, làng và tổ dân phố. Sự tham gia tích cực của phụ nữ trong việc thực hiện cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” đã góp phần không nhỏ vào việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà.

Với đặc thù của tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo chiếm tỷ lệ cao, 5 năm qua trong quá trình triển khai cuộc vận động các cấp Hội đã cụ thể hoá phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn; giao các uỷ viên Ban Chấp hành Hội LHPN các cấp được phân công phụ trách địa bàn, phụ trách cụm thi đua có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc thực hiện Cuộc vận động tại các đơn vị phân công phụ trách. Kết quả thực hiện cuộc vận động là thể hiện sự chăm lo tới quyền lợi thiết thực của mỗi người phụ nữ, đồng thời cũng khẳng định sự đóng góp của người phụ nữ trong mỗi gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm của các cấp Hội LHPN tỉnh nhà trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh. Phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ, các Hội phụ nữ trong tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, sự phối hợp của Chính quyền địa phương và các ngành chức năng liên quan, hy vọng rằng trong nhiệm kỳ tới, cuộc vận động “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ đạt được nhiều kết quả cao hơn./.

Đồng chí Y Lan- Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh – MT