Cái gì quá cũng không tốt, trong hôn nhân gia đình cũng vậy, việc “cho” và “nhận” cần được nhìn nhận đúng mức. Nhân ngày của chị em, tôi xin đưa ra hai câu chuyện có thật liên quan tới “cho” và “nhận” trong gia đình để mọi người cùng suy ngẫm.

ngu

Ảnh: Tư liệu

1. Câu chuyện tôi kể ra đây xin giấu tên của một gia đình anh chị tôi quen. Anh làm việc trong cơ quan Nhà nước còn chị làm ngoài, họ lấy nhau đã có hai mặt con, đầy đủ cả nếp lẫn tẻ. Con anh chị vừa kháu khỉnh, vừa học giỏi. Ai nhìn vào đều nghĩ gia đình anh chị thật hạnh phúc.

Từ khi cưới nhau, chị T luôn đóng vai trò là người “cho”, mọi việc trong nhà đều tới tay chị. Chị làm ngoài nên kinh tế cũng có “đồng ra đồng vào”, vì lẽ đó mà chị mặc nhiên gánh hết mọi khoản chi tiêu trong gia đình, kể cả việc hiếu hỉ 2 bên nội ngoại.

Ngoài công việc, chị dành hết thời gian còn lại cho gia đình. Theo chị kể, tôi thấy chị quá yêu chồng, thương con, chị chăm sóc anh từ miếng ăn, giấc ngủ đến quần áo anh mặc, không để anh phải động tay làm bất kỳ việc gì ngoài việc anh đảm nhận vai trò đưa đón con đi học.

Thời gian đầu, anh rất hạnh phúc khi đón nhận được sự quan tâm, chăm sóc của chị, nhưng lâu dần việc quen “nhận” nhiều hơn “cho” đã trở thành “mặc định” trong anh.

Anh xem việc chị chăm sóc cho anh và gia đình là việc đương nhiên, đôi khi anh còn đòi hỏi ở chị những điều rất vô lý. Càng ngày anh càng tỏ ra vô cảm với chính gia đình mình, anh thường hay nói dối chị và thích đi ra ngoài nhiều hơn.

Cuối cùng chị phát hiện anh có người thứ ba, chị sốc thật sự và phải vào viện nhiều tháng trời để điều trị chứng đau đầu, mất ngủ. Chị quyết định ly hôn vì quá tổn thương và không thể tha thứ cho anh được, mặc dù trong lòng vẫn còn rất yêu anh.

Về phần anh, khi đứng trước cuộc hôn nhân đổ vỡ anh mới bừng tỉnh, quay về cầu xin chị tha thứ…

2. Chuyện về một gia đình, cả hai vợ chồng cùng làm chung một cơ quan Nhà nước, nhưng hoàn toàn ngược lại với câu chuyện thứ nhất khi người chồng là người “cho”.

Anh D là người lầm lũi, ít nói, nhưng lại rất quan tâm, chu đáo với vợ con, anh gánh vác hết mọi việc trong nhà từ việc nhỏ, đến việc lớn giúp chị, để chị chú tâm vào công việc cơ quan và học thêm bổ sung bằng cấp, ngoài ra anh còn muốn chị có thời gian để nghỉ ngơi.

Thời gian đầu chị rất hạnh phúc và hãnh diện với mọi người vì có người chồng biết quan tâm đến gia đình, vợ con. Dần dà chị quen được anh làm cho mọi việc nên cứ nghĩ đó là trách nhiệm của anh nên cứ vô tư “nhận” và dần dà là… đòi hỏi, không đoái hoài đến cảm xúc, hay chia sẻ cùng anh.

Còn anh, khi xong việc cơ quan là về thẳng nhà, mọi việc trong nhà từ nấu ăn, giặt giũ, lau nhà, đưa đón con đi học kể cả chợ búa… coi như đó chính là công việc của mình.

Anh cứ cặm cụi như thế cho đến khi hai con của anh bước vào đại học, thời gian này chị cũng đi học xa, một mình buồn, anh đi chơi gặp được người phụ nữ hiểu anh, chia sẻ những “thiếu thốn” tình cảm gia đình lâu nay của anh, thế là mọi chuyện không thể… thành có thể và anh có người thứ ba.

Khi học xong trở về thấy tình cảm của anh dành cho chị không còn như trước, chị thăm dò, tìm hiểu biết được anh có người khác, chị làm to chuyện, bôi xấu, xúc phạm anh, vì vậy mà chuyện hôn nhân của hai anh chị dẫn tới đường ai nấy đi.

3. Cái kết hai câu chuyện kể trên cho thấy giữa “cho” và “nhận” nếu “quá” đều dẫn tới kết cục không hay.

Sự việc xảy ra, nhiều người biết chuyện tỏ ý trách người “cho” đó là chị T và anh D khi “quá” quan tâm, chăm sóc gia đình trong thời gian dài, để nửa kia của mình rơi vào thói quen trông chờ, ỷ lại. Mọi người cho rằng, chính người “cho” là người có lỗi khi âm thầm chịu đựng mà không phát đi tín hiệu cho thấy mình đang khó chịu trước những đòi hỏi có phần thái quá của người kia.

Cũng có người nhận định, lỗi thuộc về người “nhận” khi họ quá ích kỷ, ỷ lại, hay có những đòi hỏi thái quá… mà không quan tâm, lo lắng, chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau.

Xin kể hai câu chuyện trên để chúng ta cùng suy ngẫm. “Mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng theo thiển ý cá nhân, trong cuộc sống gia đình, mỗi người cần ứng xử phù hợp khi “cho” và cả khi “nhận”… “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, hãy chia sẻ với người bạn đời những lo toan trong cuộc sống, cùng chăm sóc con cái, cùng giải quyết những vấn đề nảy sinh… Sự cộng đồng trách nhiệm, quan tâm, chia sẻ… giúp 2 nửa cuộc đời hiểu và yêu thương nhau nhiều hơn.

Gia Thịnh

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT