Sau bao nhọc nhằn, gian khó, gia đình người cựu chiến binh, bệnh binh Ông Phạm Trung Hải – 60 năm tuổi Đảng và bà YNẩy – 50 năm ở xã Đăk Ui, huyện Đăk Hà đã có thể tự hào về mái ấm gia đình chan chứa thương yêu mà cả đời họ đã dựng xây, vun đắp.

y nẩy

Bà Y Nẩy – Bệnh binh gương mẫu được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen

Bà Y Nẩy, sinh năm 1944 ở vùng biên giới Đăk Long, xã Đăk Rờ Bay (nay thuộc xã biên giới Đăk Long, huyện ĐăkGlei), làng quê vùng căn cứ cách mạng, nên chừng 10 tuổi, bà và đám bạn đã được tập hợp tham gia những buổi họp của thanh niên, phụ nữ, nghe tuyên truyền về cách mạng, Bác Hồ, về cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp, giải phóng dân tộc. Đến năm 14 – 15 tuổi, Y Nẩy theo Cha đi dân công, tiếp lương tải đạn cho bộ đội; người thấp nhỏ, để có thể theo kịp các cô các chú suốt chặng đường rừng, Y Nẩy thường được cha chọn cho chiếc gùi gạo nhỏ, hay những hộp đạn thuộc loại “vừa sức”. Nhiều khi đi lâu, mỏi mệt, cô bé cũng chỉ tạm dừng, nghỉ ngơi chút ít, rồi lại cố gắng lên đường, vì không muốn  phải rớt lại. Cứ thế, sau  hơn 1 năm, công việc trở nên quen thuộc, đôi chân dần chai, đôi vai sạm hai mảng u; Y Nẩy được chuyển lên công tác ở huyện đội  H40. Ban đầu, được biên chế vào dân quân thường trực, ngày đêm lao động, tập tành; sau,Y Nẩy lên làm trợ lý, tham gia tổ chức lực lượng, huấn luyện.

Trong thời gian khá dài, cơ quan huyện đội H40 đóng tại vùng núi Đăk Nú (xã biên giới Đăk Blô), sau đó chuyển về Đăk Pek; ở đâu, cô Y Nẩy cũng nhiệt tình, hăng say công tác, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sau ngày Kon Tum giải phóng (tháng 3/1975), bà Y Nãi được xác nhận chế độ bệnh binh.
Là “lính” ĐăkGlei, nhưng lại thành “dân” Đăk Ui, cơ duyên này bà Y Nẩy không quên. Đó là những ngày sau giải phóng, để đảm bảo tự túc lương thực đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang địa phương, Tỉnh đội Kon Tum đã  thành lập Trung đội hậu cần, tập hợp gia đình các quân nhân, tập trung về vùng Đăk Ui, thuộc H16 (nay thuộc huyện Đăk Hà) để khai hoang, sản  xuất. Được đầu quân vào đơn vị, cuộc sống của bà Y Nẩy đã khó khăn vì chồng công tác xa, một nách hai con nhỏ; lại càng vất vả, nhọc nhằn hơn. Tuy vậy, với bản tính siêng năng, chịu khó, luôn tận tụy làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, hàng ngày, bà gửi con vào nhà trẻ của trung đội, cùng chị em đi phát rừng, dọn rẫy, cuốc đất, trồng tỉa… Nhiều việc nặng nhọc, cần sức dài vai rộng, nhưng bà  chẳng khi nào nề hà; suốt ngày, quần quật từ sớm đến tối.
Nhờ nỗ lực của trung đội sản xuất, thời gian ấy, vùng Đăk Ui hoang vu, hẻo lánh đã được khai hoang, tạo lập hàng trăm hecta đất sản xuất, trong đó, có nhiều diện tích đồng ruộng để canh tác lúa nước. Năm 1978, đơn vị giải thể, trong khi chồng vẫn còn công tác xa, một mình lặn lội, bà Y Nẩy vẫn quyết định ở lại Đăk Ui lập nghiệp. Năm 1980, chồng bà, ông Phạm Trung Hải nghỉ hưu, sau thời gian công tác ở chiến trường Campuchia gian khổ, ác liệt, bà không chỉ được động viên tinh thần, mà còn được ông chung tay  làm lụng, sẻ chia vất vả; cùng chăm lo nuôi dạy con cái.
Ông Hải quê gốc Bình Sơn (Quảng Ngãi), được tăng cường từ đồng bằng lên miền núi Bắc Tây Nguyên để xây dựng lực lượng bộ đội địa phương của H40.  “Cảm” cô trợ lý dân quân từ lâu, nhưng mải công việc, nên năm 1970, anh Huyện đội trưởng mới “đặt vấn đề” và “tiến tới”. Về chung một nhà, xong do đặc thù công việc, ông thường đi vắng, mọi việc vất vả nhọc nhằn đều dồn lên đôi vai bé nhỏ của người vợ tảo tần.
Chỉ đến lúc nghỉ hưu, ông mới thực sự “chung lưng đấu cật”, sẻ chia gian khó cùng bà, gây dựng tổ ấm. Ban đầu, ông bà chặt le, đốn cây, dựng tạm cái chòi nhỏ để có chỗ chui ra chui vào; hai năm sau, mới có thể dựng nên căn nhà gỗ lá có thể gọi là “hẳn hoi” để ở. Trên vạt rừng âm u, ngổn ngang cây to cây nhỏ, bụi le, bờ gai, ông bà miệt mài khai hoang, vỡ đất; diện tích dần hình thành, ban đầu được tỉa bắp, tỉa lúa, trồng mì… Thu nhập từ nương rẫy, cộng với khoản tiền chế độ hưu trí của ông, trợ cấp bệnh binh của bà được dành dụm để những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, tập trung trồng cà phê. Hai hecta cà phê gồm 1ha vườn nhà, 1 ha ở rẫy xa được chăm sóc chu đáo, năng suất ổn định là nguồn thu chính ông bà cho con cái học hành. Hiện nay, trong số 5 người con của ông bà, một người làm Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà, một người là giáo viên Trung học cơ sở, ba người gắn bó với đồng đất đều ổn định nhà cửa, có bát ăn bát để.
Không chỉ chăm lo sản xuất, ông bà còn gương mẫu, luôn đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương, xứng danh là Gia đình cách mạng tiêu biểu. Đặc biệt, người con trai thứ hai của ông bà, từ khi sinh ra (năm 1976) đã bị khuyết tật do ảnh hưởng chất độc hóa học; con khó nuôi, những tưởng phải chịu tàn phế, song nhờ cha mẹ hết lòng chăm bẵm, nâng giấc, anh lớn lên, mạnh khỏe. Không ỷ lại vào cha mẹ, anh em, anh chăm chỉ lao động, không ngại khó ngại khổ, với chiếc nạng gỗ và đôi tay gầy còng; nhặt rau, làm cỏ, hay làm chồi, cắt cành cà phê…, việc gì anh cũng thuần thục. Hạnh phúc đã mỉm cười với anh và gia đình, khi anh gặp cô gái làng tháo vát, siêng năng, ý hợp tâm đầu, họ có với nhau hai đứa con xinh xắn, con gái hiện 5 tuổi, con trai 1 tuổi. Sau bao gian khó, nhọc nhằn, “Được như thế là gia đình mình đã trọn vẹn rồi! Nhìn đàn cháu ngoan ngoãn, khỏe mạnh lớn lên từng ngày, còn gì vui hơn, hạnh phúc hơn …”, Bà Y Nẩy tâm sự. Bà vinh dự là cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu của tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen nhân kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2017)./.

Bài, ảnh: Nghĩa Hà

Nguồn: http://www.kontum.gov.vn-HT