Ngày 12/12/1931, tại nhà ngục Kon Tum, đã diễn ra cuộc đấu tranh lưu huyết của các chiến sĩ Cộng sản, chống lại chế độ nhà tù hà khắc, khổ sai của thực dân Pháp. Ngày này đã trở thành ngày giỗ chung của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, trên mảnh đất bên dòng sông Đăk Bla lịch sử. 85 năm đã qua, tinh thần của cuộc đấu tranh “Vang động núi rừng” vẫn còn sống mãi trong lòng đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum.

đấu tranh lưu huyết

Hát múa dưới chân tượng đài ghi dấu cuộc đấu tranh lưu huyết

Ngục Kon Tum là nơi thực dân Pháp giam cầm các tù chính trị, các chiến sĩ Cộng sản  bị bắt bớ, đàn áp trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và các tỉnh miền Trung, trong cao điểm phong trào Cách mạng những năm 1930-1931. Bị bóc lột sức lao động một cách tàn bạo để làm đường 14 và chịu muôn vàn sự tra tấn, hành hạ dã man, nên chỉ trong 6 tháng cuối năm 1930, trong tổng số gần 300 tù chính trị, đã có đến 150 người thiệt mạng. Phong trào đấu tranh chống lại chế độ nhà tù khổ sai, chống lại chính quyền thực dân tàn ác của các chiến sĩ Cộng sản tại nhà ngục phát triển mạnh mẽ, đỉnh điểm là cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931 và cuộc đấu tranh tuyệt thực trong thời gian từ 13 đến 16/12/1931.Trong cả 2 cuộc đấu tranh  can trường, quả cảm  ấy, 15 chiến sĩ đã anh dũng ngã  xuống, 16 đồng chí bị thương.

Gương hy sinh anh dũng của người tù Cộng sản Trương Quang Trọng trong cuộc đấu tranh lưu huyết lịch sử được lưu danh, ghi nhớ. Đó là sáng 12/12/1931. Sau thời gian tạm lắng trước tinh thần đấu tranh, phản đối của tù chính trị ngục Kon Tum, thực dân Pháp lại yêu sách, buộc 40 người đi lao động khổ sai ở Đăk Pét lần thứ hai. Nghe tin,những người tù chính trị chạy vào nhà lao, đóng chặt cửa lại và đồng thanh hô vang khẩu hiệu “Phản đối đi Đăk Pét!”, “Phản đối chế độ thực dân cai trị!”.Một lính Pháp hỏi: “Tại sao chúng mày không đi?”.Người tù mang số 299 Nguyễn Huy Lung dõng dạc: “Chúng tao nhất quyết không đi! Lần trước đi, có 6 tháng mà anh em chúng tao chết 2/3. Thà chúng tao chết ở đây còn hơn…”. Lính Pháp gọi: “Thằng 299 đâu?”. Anh em tù đồng thanh trả lời: “Không có 299”, “ Đả đảo đi Đăk Pét!”. Lúc đó, bất ngờ, tù chính trị Trương Quang Trọng mang số 303 băng ra cửa, hiên ngang: “Nó đây!”. Đạn nổ, đồng chí anh dũng ngã xuống. Anh em tù tiến lên, tiếp tục hô vang khẩu hiệu. Chỉ trong vài phút, kẻ thù đã bắn chết 8 đồng chí, nhiều đồng chí khác bị thương.
85 năm đã qua, tên của những người tù chính trị, những chiến sĩ Cộng sản kiên trung , bất khuất tại  Ngục Kon Tum năm xưa đã được tạc ghi thành sử sách, đã in đậm trong lòng mỗi người dân mảnh đất cực Bắc Tây Nguyên. Những năm tháng sống trong lao tù của họ đã trở thành huyền thoại, thành niềm tự hào về tinh thần kiên trung, bất khuất của người Cộng sản; ý chí sắt đá vượt qua gian khổ, hy sinh; tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng, cao cả, bền gan chiến đấu.
Tưởng nhớ, biết ơn các bậc anh hùng đi trước, chúng ta càng nhận thức sâu sắc hơn những giá trị của cuộc sống đáng trân trọng mà các thế hệ cha anh ra sức giữ gìn. Có mặt cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum anh em trong ngày kỷ niệm  80 năm cuộc đấu tranh lưu huyết (tháng 12/2011), trong niềm xúc động chân thành, bà Võ Thị Xuân An – Con gái  tù chính trị Võ Trọng Bành đã để lại những vần thơ về người cha thân yêu cùng các đồng chí của ông: Con được về thăm ngục Kon Tum/ Nơi đây ghi dấu những anh hùng/ Đòn roi tra tấn không khuất phục / Chí khí hiên ngang giữ đến cùng / Con đứng bên dòng Đăk Bla/ Vẳng nghe trong gió những lời ca / Vần thơ hào sảng Tao đàn ngục / Làm khiếp bao phen lũ giặc thù / Máu chảy thành sông ngày lưu huyết / Xương trắng bao người lấp hố sâu/ 80 năm  ấy luôn ghi dấu/ Trong mỗi tâm hồn thế hệ sau.
Tình cảm thiêng liêng của người con gái chiến sĩ Cộng sản năm xưa cũng chính là tấm lòng của các thế hệ đi sau gửi các bậc tiền nhân./.
Nguồn: www.kontum.gov.vn-HT