Ngày Gia đình Việt Nam ra đời cách đây 17 năm, là ngày hội của riêng người Việt Nam, gia đình Việt Nam, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp và nhắc nhở mỗi người về trách nhiệm bản thân đối với gia đình và xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vai trò của gia đình. Cách đây 58 năm, trong buổi hội thảo hôn nhân – gia đình ngày 10/10/1959, Người khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn, hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì vậy, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải chú ý hạt nhân cho tốt”

Theo lời dạy của Bác, ngày 28/06/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 55-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của các cấy uỷ Đảng của cơ sở đối với công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.

Tiếp đó, vào ngày 04/05/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về Ngày Gia đình Việt Nam.

1

Gia đình là hạt nhân của xã hội, là nơi chốn để mỗi người yêu thương và trở về.

Quyết định nêu rõ: lấy ngày 28/6 hàng năm là Ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo của các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ đó, vận động nhân dân tích cực tham gia phong trào “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, hạnh phúc và tiến bộ”.

Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc gia đình Việt Nam có những thay đổi nhưng chức năng cơ bản của gia đình vẫn mãi tồn tại và đây vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Ngày Gia đình Việt Nam là ngày vô cùng ý nghĩa để mọi thành viên trong gia đình ngày càng ý thức được giá trị mái ấm để quan tâm, chăm sóc lẫn nhau và cùng nhau vượt qua mọi khó khăn để có một gia đình hạnh phúc.

Đây cũng là mốc thời gian quan trọng để mỗi con người đất Việt hướng về cội nguồn, cha mẹ, người thân, nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hóa cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay trở về.

HN (tổng hợp)
Tạp chí Xây dựng Đảng/Dân trí/Người lao động

Nguồn: http://phunuvietnam.vn-HT